Chất Lượng Mang Tới Thành Công

Bệnh tiêu chảy phân vàng trên gia cầm

Bệnh tiêu chảy phân vàng là một bệnh truyền nhiễm, lây lan mạnh ở gia cầm và thủy cầm do một loại trùng roi có tên khoa học là Trichomonas rất phổ biến ở gà, vịt, ngan, ngỗng, gà Tây nuôi cũng như ở hoang cầm, gây nhiều thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi

Ở nước ta có rất ít tài liệu thông báo về bệnh này. Riêng 2 năm 2010 và 2011 chúng tôi - Lê Văn Năm và cộng sự đã quan sát thấy bệnh đang bùng phát mạnh mẽ ở những địa phương chăn nuôi gà, vịt, ngan tập trung thả vườn tại một số tỉnh phía Bắc Việt Nam. Cũng theo tác giả trên có tới 57% số đàn gia cầm bị nhiễm bệnh, tỷ lệ ốm rất cao và tỷ lệ tử vong lên tới trên 70% gà bệnh. Một trong những lý do tử vong cao là do người chăn nuôi không biết gì về bệnh này, các cán bộ thú y cũng chưa được trang bị đầy đủ kiến thức. Một số thuốc đặc trị đã bị cấm, tất cả những lý do nêu trên được bó gọn trong một phạm trù bệnh do Trichomonas. Thực sự đây là bệnh “cũ người, mới ta”, bởi trên thế giới người ta đã phát hiện ra bệnh này trước đây hàng trăm năm.
Nguyên nhân
Trichomonas - trùng roi là một loại đơn bào thuộc ngành nguyên sinh động vật (Protozoa), họ trùng roi (Trichomonadidae), họ trùng roi (Trichomonas), có 2 loại trùng roi: loài trùng roi ruột

non có 4 roi (Trichomonas gallinae) chúng gây bệnh cho gà, gà tây, vịt, ngan, ngỗng, chim câu và một số hoang cầm khác. Loại trùng roi ruột già có 5 roi (Trichomonas gallinarum) chúng cũng ký sinh ở tất cả các loại gia cầm, thủy cầm nuôi và hoang cầm.
Loài gia cầm mắc bệnh
- Tất cả các loại gia súc kể cả người đều có thể mắc bệnh.

- Tất cả các loại gia cầm, thủy cầm nuôi và hoang cầm đều mắc bệnh.
- Tuy trùng roi có 2 chủng cơ bản như đã nêu ở phần nguyên nhân nhưng khi chúng gây bệnh thì được mang các tên khác nhau.
Ví dụ:
+ Khi gây bệnh cho gà thì có tên Trichomonas gallinarum.
+ Khi gây bệnh cho vịt thì chúng mang tên Trichomonas anatis.
+ Khi gây bệnh cho ngỗng thì chúng mang tên Trichomonas anseris.

Tuổi gia cầm mắc bệnh
Tất cả các lứa tuổi đều có thể nhiễm và mắc bệnh, tuy nhiên gia cầm, thủy cầm đang lớn bị bệnh nặng nhất.

Phương thức truyền lây
- Bệnh lây lan chủ yếu qua đường miệng (ăn, uống).

- Ở động vật có vú và người bệnh có thể lây qua đường sinh dục qua giao phối.
Triệu chứng bệnh ở gia cầm
- Thời kỳ ủ bệnh từ 6-15 ngày.

- Bệnh có 2 thể biểu hiện
Thể cấp tính
Thể bệnh này thường xuất hiện ở gia cầm đang lớn đến 5-6 tháng tuổi với các triệu chứng:

- Sốt cao, ủ rũ, xù lông, chán ăn, chảy nhiều nước mắt.
- Sã cánh, đứng rụt cổ, mắt nhắm nghiền hoặc nằm tụm đống, với sự tiến triển bệnh ta thấy chúng còn bị liệt chân, liệt cánh, đặc biệt là ở thủy cầm.
- Tiêu chảy mạnh, phân loãng vàng. Nếu trùng roi ký sinh trong niêm mạc vùng họng, hầu thì ta thấy thêm hơi thở ra có mùi thối khó chịu. Chúng khó thở nên thường rướn dài cổ rồi há to mồm hít khí hoặc dí đầu vào cổ để nuốt. Nếu vạch mỏ ta thấy trên niêm mạc vùng hầu họng xuất hiện các nốt sần vàng trắng ướt có độ lớn từ 0,5-2mm. Khi trùng roi ký sinh trong các cơ quan nội tạng thì bệnh sẽ có các biểu hiện của nhiễm trùng huyết. Mổ khám lúc này ta thấy rõ viêm xuất huyết dạ dày - ruột và viêm hoại tử gan - ruột rất giống các biến đổi của bệnh viêm gan-ruột truyền nhiễm hay còn gọi là bệnh đầu đen ở gà và gà Tây.
Thể mãn tính
Đây là thể bệnh thường gặp ở gia cầm, thủy cầm lớn tuổi (trên 6 tháng tuổi) với các biểu hiện giống như thể cấp tính nhưng với mức độ nhẹ hơn. Đặc biệt khi vạch hậu môn để khám xét ta sẽ thấy có một màng giả đã và đang Cazein hóa (bã đậu) trắng vàng bao phủ và ăn sâu vào tận các lớp thanh mạc (mucose) và dưới lớp thanh mạc (Submucose) nếu chúng ta bóc tách lớp màng này ra sẽ thấy các điểm loét chảy máu ở lỗ huyệt. Ở vùng hầu họng cũng quan sát thấy có nhiều nốt sần trắng vàng đang bị Cazein hóa. Ở gia cầm đẻ trứng ta thấy giảm đẻ mạnh.

- Ở gà con bệnh có thể gây chết khoảng 70%/tổng đàn.
- Ở gà Tây bệnh tập trung ở đường ruột và có thể gây chết 70- 80% trên tổng đàn.
- Ở vịt, ngan, ngỗng con ta còn thấy ngoài các biểu hiện đường tiêu hóa, còn có thêm các triệu chứng thần kinh: liệt và bán liệt chân cánh, nên chúng đi cà nhắc hoặc hay nằm, khi xua đuổi thì
hay bị ngã. Tỷ lệ chết cũng rất cao 60-70% trên tổng đàn.
Mổ khám
- Trên bề mặt niêm mạc miệng, họng, hầu, thanh quản, thực quản, diều và dạ dày tuyến có nhiều nốt sần vàng trắng hoại tử hoặc được phủ một lớp màng giả màu vàng trắng đang bị Cazein hóa (bã đậu) thậm chí khối bã đậu này làm đầy thực quản và dạ dày tuyến.

- Ở gan, lách và một số cơ quan nội tạng khác đôi khi có các ổ viêm hoại tử lồi lên với màu vàng ngà hoặc được bao phủ moat màng giả.
- Phổi bị viêm lổ đổ, tụy cũng bị viêm, buồng trứng cũng bị viêm.
- Viêm phúc mạc và màng bao tim.
- Ruột bị viêm xuất huyết và hoại tử loét.
- Ở vịt, ngan viêm ống dẫn trứng và phúc mạc là thường gặp nhất.
Chẩn đoán
- Bệnh dễ dàng được nhận biết thông qua các số liệu về đặc điểm dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và bệnh tích mổ khám.

- Song để phân biệt với bệnh đầu đen ở gà hoặc do Histomonas nói chung cần xét nghiệm phân để tìm thấy Trichomonas đang di chuyển.

Phòng bệnh
- Phải giữ đúng nguyên tắc chăn nuôi:

+ Không nuôi chung các loại gia cầm với thủy cầm.
+ Không nuôi gia cầm, thủy cầm khác lứa tuổi cùng nhau.
+ Thường xuyên tẩy uế dụng cụ thiết bị chuồng trại và giữ sạch nguồn nước uống.
+ Cứ 20 ngày cho đàn gia cầm hoặc thủy cầm uống thuốc tím hoặc Sulfat đồng 1 lần, liều lượng, cách dùng như ở Bệnh đầu đen

Hỗ trợ kỹ thuật : 098 777 36 45 ( Mr Quang )

098 777 3645