Chất Lượng Mang Tới Thành Công

Hội chứng giảm đẻ trên gia cầm

Hội chứng giảm đẻ là một bệnh truyền nhiễm mới do các chủng Adeno virut gây ra với các biểu hiện đặc trưng là sụt giảm năng suất đẻ ở gà. Bệnh đã và đang trở thành mối lo ngại cho người
chăn nuôi nước ta hiện nay.

1.Nguyên nhân
Hội chứng giảm đẻ EDS76 là 3 chữ viết tắt do 76 chủng Adenovirut gây ra (Egg drop Syndrome 76). Sở dĩ người ta dùng chữ “Hội chứng” là nhằm không ám chỉ bất cứ một chủng virut 
riêng rẽ nào, mà nhắc nhở chúng ta một trong số 76 chủng virut đó đều có khả năng gây giảm đẻ.
2. Loài gia cầm mắc bệnh
Gà và các loại cùng nòi.

3. Tuổi gia cầm mắc bệnh
Tất cả các lứa tuổi gà đều có thể nhiễm một hoặc vài ba trong số 76 chủng Adenovirut gây nên sụt giảm trứng. Tuy nhiên bệnh chỉ biểu hiện khi gà bắt đầu đẻ và trong thời gian đẻ.

4. Phương thức truyền lây
+ Truyền ngang do ăn, uống, hít phải virut gây bệnh.

+ Truyền dọc do bố mẹ truyền cho con qua phôi trứng.
5. Mùa phát bệnh: Quanh năm.
6. Triệu chứng
6.1. Giai đoạn trước khi gà đẻ
Bệnh thường ở thể không rõ ràng với một vài triệu chứng ở gà con mới nở có sức sống kém, chết nhiều nhưng không rõ nguyên nhân, những con sống thì chậm lớn, còi cọc.

6.2. Giai đoạn sinh sản
- Bệnh không có các biểu hiện lâm sàng rõ rệt, gà vẫn ăn uống bình thường nhưng tỷ lệ đẻ không cao, giảm từ 40-50% so với những đàn bình thường.

- Trứng của những gà bệnh có màu sắc loang lổ và hoàn toàn khác so với màu đặc trưng của giống gà, ví dụ: gà Rhode 208 đẻ trứng có màu hồng nâu, nay biến thành màu trắng.

- Vỏ trứng mỏng, sần sùi và dễ dập vỡ hoặc trứng bị biến dạng, có một số trứng không có vỏ cứng, kích thước nhỏ, rất giống biểu hiện này của bệnh Niu-cát-xơn.
- Lòng trắng trứng đục, lòng đỏ nhão.
- Khi chọn trứng đủ tiêu chuẩn về ngoại hình để ấp thì thấy tỷ lệ phôi thấp, tỷ lệ chết phôi cả hai kỳ 1 và 2 đều cao, gà con nở ra bị chết yểu tới 30% sau một tuần úm.
- Gà mái đẻ đôi khi bỗng nhiên bị tiêu chảy rồi đột ngột trở lại bình thường.
7. Bệnh tích
Không tìm thấy các biến đổi bệnh lý điển hình nào, ngoài một vài biểu hiện: buồng trứng kém phát triển, các nang trứng bị thoái hóa, trong ống dẫn trứng có nhiều dịch thẩm xuất, tử cung bị phù nề nhẹ.

8. Điều trị
- Không có thuốc đặc trị, nhưng chúng ta phải điều chỉnh tỷ lệ Ca/P (Canxi/phốtpho) trong thức ăn và bổ sung thường xuyên thuốc kích thích đẻ trứng như: Embrio Stimulan 6g/1kg thức ăn

hoặc AD3E. Thái hoặc Super-Vitamin hoặc Doxyvit. Thái sẽ nâng cao khả năng sinh sản, tăng tỉ lệ phôi và tỉ lệ ấp nở, cũng như sức sống cho gà con 1 ngày tuổi.
9. Phòng bệnh
- Có rất nhiều loại vacxin đang lưu thông tại nước ta như:

+ Nobivac.ND+IB+IBD+EDS phòng 4 bệnh của Hà Lan.
+ Talovac-ND-IB-EDS-IC phòng 4 bệnh của Đức.
+ OVO4 của Pháp.
+ ND+IB+IBD+EDS của Canada.

+ Cevac ND-IBD-EDS.K.blen của Canada.
Tất cả các loại vacxin trên đều là vacxin vô hoạt nhũ dầu được tiêm cho mỗi gà liều 0,5ml vào dưới da gáy cổ lúc 16-20 tuần tuổi và lặp lại sau 1 tháng khi gà bắt đầu đẻ.

Hỗ trợ kỹ thuật : 098 777 36 45 ( Mr Quang )

098 777 3645