Chất Lượng Mang Tới Thành Công

Nguyên nhân gây bệnh ở tôm nuôi

Bệnh thường phát sinh do sự kết hợp nhiều yếu tố ngay cả các bệnh truyền nhiễm cũng không đơn thuần là do nhiễm virus hay vi khuẩn. Thực ra sự hiện diện của một mầm bệnh trong mô cơ không có nghĩa mầm bệnh đó là nguyên nhân chính gây ra bệnh

I. Nguyên nhân và điều kiện phát sinh bệnh ở tôm nuôi
Tùy từng tác giả khi đề cập về bệnh có những từ ngữ riêng để diễn tả những 
vấn đề khác nhau. Định nghĩa bệnh sau đây dựa theo quyển "Quản lý sức khỏe tôm trong ao nuôi" do Viện Nghiên cứu Sức khỏe Thủy động vật (AAHRI) Thái lan, xuất bản năm 1998: "Bất kỳ một sự bất bình thường nào trong cấu tạo và chức năng của cơ thể sinh vật được gọi là bệnh. Điều này có nghĩa bệnh không chỉ phát sinh do sự lây nhiễm mầm bệnh mà còn do các vấn đề về môi trường và dinh dưỡng gây ra". Bệnh thường phát sinh do sự kết hợp nhiều yếu tố ngay cả các bệnh truyền nhiễm cũng không đơn thuần là do nhiễm virus hay vi khuẩn. Thực ra sự hiện diện của một mầm bệnh trong mô cơ không có nghĩa mầm bệnh đó là nguyên nhân chính gây ra bệnh. Phần lớn nguyên nhân gây bệnh đầu tiên là do những biến đổi xấu về môi trường gây tổn thương đến cơ thể hoặc làm giảm đi khả năng kháng bệnh của tôm. Trong lúc đó mầm bệnh sẵn có trong môi trường sẽ nhân cơ hội này xâm nhập vào cơ thể tôm. Do vậy cần phải xem xét cả vật chủ, mầm bệnh và môi trường để xác định nguyên nhân gây bệnh nhằm có biện pháp phòng ngừa và xử lý thích hợp.
1. Vật chủ
Vật chủ là tôm, cá hay bất kỳ vật nuôi nào khác có thể hoặc là nhạy cảm hoặc 
là có tính đề kháng đối với một loại bệnh nào đó. Tính nhạy cảm hay đề kháng của vật chủ thì tùy thuộc vào cơ chế bảo vệ trong cơ thể vật nuôi, lứa tuổi hay kích cỡ của vật nuôi, sự khác nhau giữa các loài và điều kiện dinh dưỡng của vật nuôi.
2. Tác nhân gây bệnh
Tác nhân gây bệnh có thể được phân ra làm ba loại là tác nhân lý học, tác nhân 
hóa học và tác nhân sinh học
- Tác nhân lý học: có thể sự thay đổi đột ngột về các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ mặn hay pH. Tác nhân phóng xạ như tia cực tím từ mặt trời cũng là tác nhân lý học, vv.
- Tác nhân hóa học: chất độc, sự ô nhiễm môi trường, điều kiện dinh dưỡng không cân bằng, thiếu vitamin, sử dụng thuốc hay hóa chất quá liều, vv.
- Tác nhân sinh học: virus, vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật và một số lớn động vật không xương sống khác được xem là tác nhân sinh học. Đây là tác nhân gây bệnh quan trọng đối với vật nuôi và thường được xem xét đầu tiên khi vật nuôi bị bệnh. Chúng thường được gọi là tác nhân lây nhiễm hay tác nhân gây lây bệnh. Tác nhân lây nhiễm có hai đặc tính chính là có khả năng truyền nhiễm trực tiếp và sinh sôi nảy nở trong cơ thể vật chủ. Tác nhân lây nhiễm có thể có trong môi trường nước, sinh vật bị nhiễm bệnh, sinh vật truyền bệnh, cá thể bố mẹ và trong thức ăn. Phương thức lây truyền của chúng theo một trong hai cách là truyền nhiễm ngang (trực tiếp hay không trực tiếp) và truyền nhiễm dọc (từ thế hệ bố mẹ truyền cho thế hệ con).


3. Môi trường
Những biến đổi bất lợi về môi trường ngoài tự nhiên hay trong ao nuôi thường 
làm cho vật nuôi bị sốc, cơ thể suy yếu dần và mất khả năng đề kháng tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập và phát triển trong cơ thể và gây bệnh. Do đó, việc quản lý tốt môi trường nuôi là yếu tố quan trọng đối với nghề nuôi thủy sản. “Sốc” là nhân tố nguy hiểm cho sức khỏe của tôm nuôi. Các nhân tố có tác động tiêu cực đến vật nuôi như vận chuyển, lưu giữ, nuôi mật độ cao, những điều kiện môi trường không thuận lợi thường được gọi là nhân tố gây sốc.
Hỗ trợ kỹ thuật : 098 777 36 45 ( Mr Quang )

098 777 3645