Chất Lượng Mang Tới Thành Công

Khôi phục ao nuôi thủy sản cho vụ mới

Mưa lũ liên tục trong hơn một tháng qua đã khiến nhiều ao nuôi thủy sản bị hư hỏng, bồi lấp. Hiện, người dân đang khẩn trương xử lý môi trường, tu bổ lại diện tích ao hồ bị thiệt hại để bước vào vụ nuôi mới.

Thiệt hại nặng nề

Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, tính đến ngày 16/11, tổng diện tích NTTS bị thiệt hại là 9.931/38.340 ha (chiếm 25,9% diện tích đang nuôi), 2.180 ô lồng nuôi tôm hùm bị thiệt hại do nước ngọt đổ về (chiếm 2,3% tổng số ô lồng đang nuôi), 39 tàu thuyền khai thác hải sản bị hư hại, giá trị thiệt hại khoảng 474 tỷ đồng.

Tại vùng rốn lũ Quảng Trị, thiệt hại của ngành NTTS là hết sức nặng nề. Theo thống kê, toàn tỉnh đã có hơn 1.800 ha NTTS các loại bị thiệt hại hoàn toàn, trong đó diện tích nuôi cá là 1.117 ha, nuôi tôm là 92 ha; tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ, TP. Đông Hà… Mưa lũ không chỉ làm nhiều vùng nuôi thủy sản lớn của tỉnh đã bị xóa sổ mà sau lũ lụt, môi trường ao nuôi bị xáo trộn còn làm phát sinh nhiều loại dịch bệnh trên thủy sản nuôi.

Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản cho biết, lũ lụt đã làm ảnh hưởng khoảng 3.788 ha NTTS , trong đó, nuôi nước mặn và nước lợ 1.52 ha (nuôi tôm 971 ha; nhuyễn thể (nhóm hàu, vẹm, ngao…), 382 ha, đối tượng hải sản khác 168 ha); nuôi cá nước ngọt là 2.266 ha; nuôi lồng bè có 10.293 m3 lồng bè bị hư hỏng. Sản lượng thiệt hại ước 4.767 tấn, trong đó, sản lượng nuôi ngọt 2. 294 tấn; sản lượng nuôi mặn, lợ 2.968 tấn gồm (tôm 1.154 tấn, nhuyễn thể 1.649 tấn, đối tượng khác 165 tấn). Ước giá trị thiệt hại 350,97 tỷ đồng.

Tại tỉnh Phú Yên, theo UBND thị xã Sông Cầu, trên địa bàn thị xã hiện có 1.735 bè nuôi thủy sản với khoảng 76.000 lồng nuôi, trong đó chủ yếu tôm hùm. Do ảnh hưởng bão số 12 và mưa lũ sau bão, thủy sản nuôi trên địa bàn bị thiệt hại rất nặng. Thống kê đến ngày 17/11, có 1.902 lồng nuôi tôm hùm của 247 hộ bị thiệt hại do mưa lũ, với số tiền khoảng 62,7 tỷ đồng, tập trung ở các địa phương xung quanh vịnh Xuân Đài như các xã Xuân Phương, Xuân Thọ 1 và các phường Xuân Thành, Xuân Yên, Xuân Đài, Xuân Phú. Ngoài ra, bão lũ còn gây thiệt hại gần 160 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá mú, cua biển… với số tiền 11 tỷ đồng.

Do ảnh hưởng của bão lũ, trong tháng 10, sản lượng nuôi trồng thu hoạch của cả nước ước đạt 538,8 tấn, giảm 74,1% so tháng trước, giảm 50,8% so cùng kỳ.

Cần nhiều ưu đãi

Tạm gác lại những khó khăn, thiệt hại sau mưa lũ. Ngay lúc này, lãnh đạo các tỉnh miền Trung và người dân đang nỗ lực, khẩn trương khôi phục sản xuất, sớm bình ổn kinh tế sau lũ. Tuy nhiên, theo người nuôi, cái khó nhất để tái sản xuất sau lũ là thiếu vốn do thiệt hại tôm, cá chết quá nhiều, trong khi phần lớn kinh phí nuôi là từ nguồn vay mượn. Để phục hồi lại thủy sản nuôi sau lũ, người nuôi chỉ còn mong chờ vào chính sách được khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay vốn lãi suất ưu đãi để tái đầu tư nuôi vụ mới. Người dân cũng mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần về giống, thức ăn nhằm bớt phần khó khăn, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho người nuôi.

Sau lũ, ông Lê Xuân Thọ, ở xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị ra thăm hồ tôm mà lòng không khỏi xót xa. Ông cho hay, bây giờ nếu muốn nuôi lại thì phải bỏ ra nhiều công sức để làm vệ sinh, cải tạo ao hồ rồi mua giống, thức ăn nhưng tiền lại không có, do đó rất mong được các cấp, các ngành nghiên cứu cho vay nguồn vốn ưu đãi.

Ông Đinh Văn Thêm, ở thôn Đông Bình, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết, gia đình ông có 6 hồ tôm, đang đến kỳ thu hoạch. Mưa lũ cuốn trôi, vụ tôm này trắng tay, gia đình ông Thêm còn khoản nợ ngân hàng không biết bao giờ trả hết: “Đợt mưa bão vừa rồi, gia đình nuôi mấy sào tôm mất trắng, bây giờ vốn liếng không còn để khắc phục lại để nuôi vụ tiếp. Nguồn vốn đang vay ngân hàng cũng không có để giải quyết nợ nần. Mong muốn chính quyền có phương án hỗ trợ cho dân”.

Trước thảm họa khốc liệt của thiên tai tại các tỉnh miền Trung, thời gian qua, cả hệ thống chính trị và xã hội đã cùng chung tay cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt, Bộ NN&PTNT triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy, khôi phục sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế cho người dân nhằm sớm ổn định cuộc sống. Trong đó, Tổng cục Thủy sản đã kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ trên 76 triệu giống tôm thẻ chân trắng, 150 tấn thức ăn hỗn hợp nuôi tôm nước lợ, 15 tấn sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, trị giá 71 tỷ đồng.

Tổng cục Thủy sản cũng đã phối hợp với Cục Thú y và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức 10 lớp tập huấn tại 5 tỉnh cho người dân nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi mưa bão về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản mùa mưa bão, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một số lưu ý

Sau mưa lũ, người nuôi cần tập trung xử lý môi trường nước, bổ sung Vitamin C, khoáng vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho vật nuôi, tăng cường quản lý dịch bệnh… đối với những diện tích còn lại. Đối với nuôi lồng bè, kiểm tra ngay các lồng bè để sửa chữa, tránh thất thoát thủy sản nuôi. Những vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng nước ngọt do mưa lũ, cần di chuyển lồng bè đến nơi an toàn, có điều kiện môi trường đảm bảo cho thủy sản sống. Đồng thời, thu gom, xử lý môi trường theo đúng quy trình, tuyệt đối không vứt xác thủy sản chết, rác thải ra môi trường để hạn chế phát sinh dịch bệnh.

Những diện tích bị ngập toàn bộ, cần tiến hành sửa chữa, củng cố đê bao, hệ thống kênh cấp, thoát nước; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng, xử lý nguồn nước, ao nuôi, phòng chống dịch bệnh, trước khi tiến hành sản xuất trở lại.

Chỉ nên thực hiện thả nuôi trở lại khi ao đã được chuẩn bị kỹ và cải tạo tốt. Liên hệ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống uy tín để có nguồn giống đảm bảo chất lượng, tránh nóng vội nuôi sớm khi ao chưa được chuẩn bị kỹa và nguồn giống còn khan hiếm dẫn đến giảm hiệu quả sản xuất.

Hỗ trợ kỹ thuật : 098 777 36 45 ( Mr Quang )

 
098 777 3645