Chất Lượng Mang Tới Thành Công

Kỹ thuật nuôi cá hồi trên đỉnh Hoàng Liên Sơn

Sau hơn 10 năm đưa vào nuôi, có thể khẳng định loài cá hồi vốn chỉ có ở vùng nước lạnh Bắc Âu như Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển... nay được đưa lên đỉnh Hoàng Liên của Việt Nam với độ cao 1.700 mét so với mực nước biển đã thành công rực rỡ.

Trung tâm nuôi cá hồi trên đỉnh Hoàng Liên (thuộc địa phận 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu) được triển khai từ năm 2004 dưới sự hợp tác của Đại sứ quán Phần Lan và Bộ Thủy sản (nay gộp vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Trung tâm đưa hơn 50 nghìn trứng ướp lạnh mang từ Phần Lan về thử nghiệm. Quá trình ươm đã thành công tốt đẹp, tỉ lệ thành cá bột lên đến 95% - 97%. Đó là thành công đánh dấu bước ngoặt không chỉ ở Hoàng Liên mà còn mở ra một hướng mới cho sự phát triển cá nước lạnh trong cả nước.

Trên độ cao 1.700m so với mực nước biển, dãy Hoàng Liên có môi trường khá thích hợp cho việc nuôi cá hồi, một giống cá nước lạnh. Cá hồi ở đây được nuôi trong những chiếc bể nhựa lớn.

Hoặc nuôi bằng hồ nhân tạo. Việc chăm nuôi giống cá nước lạnh này cũng khá đơn giản.

 

 

Hơn 10 năm nay, cá hồi đã sống và thích nghi khá tốt với điều kiện khí hậu trên dãy Hoàng Liên. Vì thế mà quy mô những trang trại nuôi cá hồi ở đây ngày càng được mở rộng.

Từ những tín hiệu vui đó, dự án đã chuyển giao cho Công ty TNHH Thiên Hà nuôi tại Bản Khoang (Sa Pa) 1.400 con. Công ty này nuôi được cá cỡ 1- 1,5kg bán ra thị trường. Đến nay, Công ty có khoảng trên 15 nghìn con, trong đó ra khoảng 3 nghìn con làm cá mẹ, còn lại bán cá thịt thương phẩm. Cá hồi trên đỉnh Hoàng Liên đã trở thành một thương hiệu mới. Thạc sĩ Nguyễn Văn Thìn, phụ trách kĩ thuật của Công ty cho biết: "Nuôi cá hồi rất khó, đòi hỏi điều kiện khắt khe, nguồn nước luôn ở nhiệt độ thấp dưới 20 độ C, phải có dòng chảy, độ oxy hòa tan cao. Những dòng suối trên đỉnh Hoàng Liên có đầy đủ những điều kiện đó nhưng những ngày đầu đưa vào nuôi, chúng tôi gặp khó khăn rất lớn là nguồn nước. Khí hậu ở Hoàng Liên Sơn phân 2 mùa rõ ràng là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thì có đủ nước cho cá nhưng mùa khô thì suối bị kiệt nước, nguồn nước không đảm bảo cho hồ nuôi. Chúng tôi đã phải xây rất nhiều hồ và tái chế lại nguồn nước, dùng máy bơm để đưa nước từ suối thấp lên. Cũng may, nguồn nước tái sử dụng đảm bảo sạch nên chúng tôi có thể phát triển những dự định dài hơi về giống cá đặc biệt này."

Giờ đây, trại nuôi cá hồi ở Bản Khoang đã trở thành một trung tâm giống cá hồi lớn nhất miền Bắc, chuyên cung cấp giống cho các địa phương có điều kiện khí hậu nuôi thích hợp như: Dào San (Lai Châu), Bắc Hà, Bát Sát (Lào Cai), Khau Phạ (Yên Bái), Pù Luông (Thanh Hóa), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)…
Câu chuyện loài cá hồi vượt gần nửa vòng Trái Đất đến định cư và phát triển ở Hoàng Liên Sơn của Việt Nam đã là một câu chuyện cổ tích về sự hợp tác và phát triển nnghiệp giữa Việt Nam và các nước Bắc Âu. Nhưng chuyện anh công nhân trồng rừng Trần Yên đã xây nên một “vương quốc cá hồi” giữa đỉnh Hoàng Liên Sơn khiến người ta khâm phục. Trần Yên kể lại: "Năm 2002, sau khi thất bại dự án trồng rừng ở Làng Mô (Lai Châu), vợ chồng tôi khăn gói lên Hoàng Liên Sơn tìm cơ hội mới. Nhìn thấy đỉnh Hoàng Liên Sơn sừng sững, tôi bỗng ngộ ra một điều, mảnh đất hoang sơ này mới là chốn dung thân, lập nghiệp của mình”. Lên đỉnh Hoàng Liên Sơn với mục đích quay lại nghề trồng rừng, chẳng ngờ Trần Yên lại bén duyên với con cá hồi. Đưa loài cá quý về nuôi quả thực là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm và Trần Yên là người đầu tiên ở xứ núi dám chấp nhận thách thức. Anh đã phải nếm trải thất bại vào đúng dịp Tết năm 2006. Chỉ sau một đêm ngủ dậy, đập vào mắt Trần Yên là những xác cá chết trắng xóa cả bể. Cá chết do nền bể sụt khiến nước không chảy làm cho gần 4 tấn cá hồi chết trắng bụng. Sau lần ấy, Trần Yên quyết tâm bắt tay vào “thu phục” loài cá đỏng đảnh này. Anh tự tìm nguồn thức ăn cho cá hồi nhập từ Phần Lan bằng cách bỏ tiền mua vé máy bay, mời chuyên gia Nhật sang tư vấn cách nuôi cá để không còn lặp lại thảm cảnh. Bây giờ thì Trần Yên đã có thể tự tin dẫn chúng tôi đi tham quan những hồ nuôi cá chạy dài như những thủa ruộng bậc thang trên đỉnh Hoàng Liên. Trần Yên nói vui: “Nuôi cá hồi còn dễ hơn nuôi... cá trắm. Cá hồi quen ăn thức ăn công nghiệp, còn muốn cho cá trắm ăn cám công nghiệp thì phải rèn luyện nhiều. Một mét khối nước có thể nuôi từ 100 kg - 250 kg cá hồi. Cá trắm thì không thể nuôi với tỉ lệ dày đặc như vậy được”. Chính vì thế, Trần Yên đã tự tin gửi “của nhà trồng được” sang tận Phần Lan và Nhật để các chuyên gia ở đó nếm thử và họ đều thừa nhận rằngm, cá hồi nuôi ở đỉnh Hoàng Liên Sơn của Việt Nam ngon chẳng kém gì so với nuôi ở đất nước họ.
Yên tâm để phát triển, năm 2009 Trần Yên đã bán ra thị trường 150 tấn cá hồi, đến năm 2011 đã là là 300 tấn và đem lại công ăn việc làm cho hàng trăm thanh niên dân tộc thiểu số ở dãy Hoàng
Liên Sơn. Giá một tấn cá hồi hiện giờ đang ở mức từ 300 – 500 triệu đồng. Trần Yên hồ hởi khẳng định: “Đầu ra của loài cá quý này thì mênh mông vì nguồn nuôi trong nước mới cung cấp chưa nổi 10%. Mỗi năm thị trường Việt Nam phải nhập 150 –200 tấn cá hồi để phục vụ nhu cầu”.

Hỗ trợ kỹ thuật : 098 777 36 45 ( Mr Quang )

098 777 36 45 - 024 6686 7068