– Thường xuyên kiểm tra chuồng trại chăn nuôi, kịp thời tu sửa, tránh để ẩm ướt, hạn chế tối đa sự tồn tại của mầm bệnh, di dời đàn vật nuôi lên cao để tránh úng ngập. Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp cần bổ sung thêm chất độn chuồng hoặc sưởi để giữ ấm cho vật nuôi. Kiểm tra cống rãnh thoát nước, nếu bị tắc phải khơi thông ngay, không để nước mưa chảy ngược vào chuồng nuôi.
– Thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi; rửa sạch các dụng cụ chăn nuôi, ngâm vào thuốc sát trùng rồi phơi dưới ánh nắng mặt trời để tiêu diệt mầm bệnh.
Kiểm tra kho chứa thức ăn, loại bỏ những bao thức ăn bị ngấm nước, hoặc bị mốc,… Đối với những nơi nguồn nước bị ô nhiễm bà con có thể sử dụng Chloramin-B, T để khử trùng nguồn nước, đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi.
– Nước rút đến đâu thì vệ sinh ngay đến đó; định kỳ 1 – 2 lần/ tuần phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột để tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi. Nên chọn những loại thuốc sát trùng có hoạt phổ rộng và có tác dụng diệt trùng nhanh, hoạt lực kéo dài, ổn định
– Lưu ý để gia súc, gia cầm nơi khô ráo, sạch sẽ; chú ý giữ ấm cho gia súc, gia cầm; hạn chế chăn thả trong mùa mưa lũ;
– Cung cấp đầy đủ thức ăn sạch, dễ tiêu, bảo đảm chất lượng, phù hợp với từng lứa tuổi của vật nuôi. Đối với trâu, bò cần chủ động dự trữ nguồn thức ăn thô xanh bằng phương pháp ủ chua, ủ rơm với urê; cung cấp đủ thức ăn xanh cho trâu, bò, có thể bổ sung thêm thức ăn tinh; tuy nhiên trước khi cho trâu, bò ăn các nguyên liệu thô xanh phải đảm bảo sạch sẽ, không bị dính đất bẩn, thức ăn cần khô nước, nếu thức ăn tươi, quá non thì cần phơi tái, khi cho ăn nên kết hợp với rơm khô để tránh hiện tượng chướng hơi dạ cỏ ở trâu, bò nhất là bê, nghé. Đối với lợn con và gà con ở giai đoạn úm nên sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để đảm bảo đủ dinh dưỡng;
– Đảm bảo cung cấp đủ nước uống sạch, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa… cho gia súc, gia cầm để nâng cao sức đề kháng. Đối với vật nuôi đang trong thời gian mang thai, đang nuôi con, các loại gia súc non và bò sữa cần bổ sung vào thức ăn các loại khoáng chất, vitamin, chất điện giải để nâng cao sức đề kháng cho con vật; với bò sữa cần thực hiện tốt quy trình khai thác sữa để hạn chế bệnh viêm vú, các bệnh về sinh sản rất hay gặp khi thời tiết bất lợi.
– Chú ý tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi như uể oải, ủ rũ, kém ăn; tình trạng sức khoẻ đàn gia súc, gia cầm; cách ly kịp thời những vật nuôi có biểu hiện khác thường. Khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn, phải báo ngay cho thú y viên hoặc khuyến nông viên cơ sở để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh.
– Trường hợp có gia súc, gia cầm ốm, chết phải đào hố, chôn sâu và rắc vôi bột, tuyệt đối không giết mổ, vận chuyển, bán chạy, vứt xác chết bừa bãi ra môi trường xung quanh. Sau bão lũ, khi nước rút cần quét dọn, vệ sinh chuồng trại, bãi chăn, thu gom rác thải… rồi tiến hành phun khử trùng tiêu độc bằng các chất sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh trong nền chuồng và bãi chăn thả…
Hỗ trợ kỹ thuật : 098 777 36 45 ( Mr Quang )