Để đảm bảo việc nuôi tái đàn lợn thận trọng, hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ tái phát dịch bệnh; thực hiện các quy định của Luật thú y và Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18/6/2019 của Chính phủ về việc triển khai một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống bệnh DTLCP theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019; Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh DTLCP đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tổ chức hướng dẫn việc nuôi tái đàn lợn, cụ thể như sau:
1. Nguyên tắc tái đàn lợn
Việc nuôi tái đàn lợn tại địa phương đã có bệnh DTLCP được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP, cụ thể:
a) Nuôi tái đàn lợn tại cơ sở chăn nuôi lợn chưa bị dịch bệnh DTLCP hoặc đã bị dịch nhưng đã qua 30 ngày không tái phát bệnh DTLCP; bảo đảm an toàn dịch bệnh.
b) Chủ cơ sở phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tổng cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi; nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm để áp dụng có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học;
c) Bảo đảm cân bằng cung cầu.
Yêu cầu đối với cơ sở nuôi tái đàn lợn
a) Nuôi tán đàn lợn tại địa phương đã công bố hết bệnh DTLCP
Cơ sở chỉ nuôi tái đàn lợn tại địa phương đã công bố hết bệnh DTLCP khi đáp ứng các yêu cầu sau:
– Chủ cơ sở nuôi phải kê khai với chính quyền cơ sở trước khi thực hiện việc nuôi tái đàn lợn.
– Có chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, con giống, thức ăn nước uống, chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh thú y và các biện pháp an toàn sinh học theo các quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y hoặc đã được chứng nhận cơ sở an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAPH, GlobalGap trong chăn nuôi; định kỳ lấy mẫu môi trường, nguồn nước,… xét nghiệm khẳng định không có vi rút DTLCP.
– Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 4249/BNN-TY ngày 18/6/2019 về việc kiểm soát vận chuyển lợn để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có bệnh DTLCP; Công văn số 5329/BNN-CN ngày 25/7/2019 về việc tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh DTLCP; trong đó lưu ý:
+ Hằng ngày thực hiện việc vệ sinh, sát trùng chuồng nuôi, máng ăn, dụng cụ chăn nuôi; có biện pháp ngăn chặn côn trùng, gặm nhấm để tránh mang mầm bệnh từ ngoài vào trong chuồng, trại nuôi lợn;
+ Bổ sung chế phẩm nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn;
+ Ghi chép các hoạt động chăn nuôi, quản lý dịch bệnh, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.
– Kê khai với chính quyền cơ sở trước khi thực hiện việc nuôi tái đàn lợn. Trường hợp không kê khai và để xảy ra dịch bệnh thì bị xử lý theo quy định và không được hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
b) Nuôi tán đàn lợn tại địa phương chưa công bố hết bệnh DTLCP
Chỉ thực hiện nuôi tái đàn lợn khi đáp ứng các yêu cầu sau:
– Cơ sở chăn nuôi tập trung đã được chứng nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh, VietGAPH, GlobalGap trong chăn nuôi.
– Được chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn thú y địa phương kiểm tra, xác nhận đáp ứng đủ yêu cầu nuôi tái đàn.
Các bước nuôi tái đàn lợn
a) Nuôi chỉ báo với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở có quy mô và khả năng nuôi trên 100 con lợn ở một thời điểm hoặc nuôi không quá 10 con lợn đối với cơ sở có quy mô và khả năng nuôi 100 con.
b) Hằng ngày theo dõi, giám sát chặt chẽ số lợn nuôi chỉ báo trong khoảng thời gian ít nhất 30 ngày; trường hợp cần thiết lấy mẫu xét nghiệm phát hiện mầm bệnh DTLCP (chủ cơ sở có thể tự lấy dưới sự giám sát của cán bộ thú y hoặc cán bộ thú y cơ sở thực hiện việc lấy mẫu). Trường hợp nghi lợn bị bệnh, phải khai báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
c) Sau khi nuôi chỉ báo được ít nhất 30 ngày, nếu lợn không có biểu hiện bệnh hoặc mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với bệnh DTLCP (áp dụng đối với trường hợp lấy mẫu xét nghiệm), thực hiện nuôi tái đàn thận trọng và có thể nuôi đạt 100% quy mô chăn nuôi của cơ sở.
d) Chính quyền cơ sở và các cơ quan thú y địa phương tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn; tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh.
Căn cứ các nội dung được nêu tại văn bản này, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nuôi tái đàn lợn phù hợp tình hình thực tế của địa phương và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn./.
Hỗ trợ kỹ thuật : 098 777 36 45 ( Mr Quang )