Hệ miễn dịch ở heo cũng có thể được hiểu là hệ thống các hàng rào phòng vệ nhiều lớp, giúp heo chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Hệ thống phòng vệ chính gồm:
- Hàng rào vật lý
- Hệ miễn dịch bẩm sinh
- Hệ miễn dịch đặc hiệu.
Ba lớp phòng vệ này hỗ trợ, tương tác lẫn nhau với mục đích chung nhằm bảo vệ heo chống lại sự xâm nhiễm của các tác nhân gây bệnh.
Hàng rào vật lý
Hàng rào vật lý là rào cản đầu tiên giúp heo ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn, virus hay các tác nhân gây bệnh khác. Thành phần của hệ thống này gồm có: da và các niêm mạc biểu mô trong các cơ quan của hệ hô hấp, tiêu hóa và sinh dục. Niêm mạc biểu mô được phủ thêm một lớp chất nhầy chứa các phần tử kháng khuẩn để chủ động chống lại các tác nhân gây bệnh khi tiếp xúc.
Hệ miễn dịch bẩm sinh
Khi tác nhân gây bệnh vượt qua được hàng rào bảo vệ đầu tiên (hàng rào vật lý) sẽ đối mặt với các thành phần trong hệ miễn dịch bẩm sinh. Hệ thống này bao gồm các tế bào có khả năng phát hiện và tiêu diệt những vật ngoại lai như tế bào tua, đại thực bào, tế bào diệt tự nhiên, bạch cầu trung tính,… Đáp ứng miễn dịch bẩm sinh được kích hoạt trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể heo.
Hệ miễn dịch bẩm sinh cũng có những cơ chế đặc biệt để chống lại các tác nhân gây bệnh như phản ứng viêm của cơ thể, phản ứng sốt…
Hệ miễn dịch đặc hiệu
Miễn dịch đặc hiệu được xem như hệ thống phòng vệ cuối cùng và hiệu quả nhất để chống lại tác nhân gây bệnh. Đáp ứng miễn dịch bẩm sinh có thể xuất hiện trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi tác nhân gây bệnh xâm nhập. Tuy nhiên, phản ứng này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và không được củng cố khi cơ thể gặp lại cùng tác nhân đó (nói cách khác, không có khả năng nhớ). Ngược lại, miễn dịch đặc hiệu cần một thời gian để hoạt hóa (vài ngày cho đến vài tuần) nhưng có khả năng bảo hộ dài hơn (vài tuần cho đến vài năm) và sẽ hoàn thiện hơn vào lần xâm nhập tiếp theo của cùng tác nhân gây bệnh.
Như vậy chúng ta có thể hiểu rằng, khi có tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. Hệ miễn dịch đặc hiệu sẽ được kích hoạt, sau 1 khoảng thời gian để “đánh giá và xác định phương pháp tiêu diệt” kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Cơ thể sẽ có giải pháp để tiêu diệt và loại bỏ tác nhân gây bệnh từ đó sản sinh các tế bào miễn dịch đặc hiệu để tiêu diệt các mầm bệnh đó. Đồng thời phương pháp tiêu diệt sẽ được lưu lại và sử dụng cho những lần sau. Nếu mầm bệnh đó tiếp tục xâm nhập vào cơ thể sau lần đầu tiên, cơ thể sẽ nhanh chóng đưa ra phương pháp tiêu diệt đã được ghi nhớ trước đó (không cần thời gian đánh giá và xác định phương pháp tiêu diệt nữa) để loại bỏ mầm bệnh.
Miễn dịch đặc hiệu được phân thành hai loại: miễn dịch dịch thể (hay miễn dịch qua trung gian kháng nguyên) và miễn dịch qua trung gian tế bào (Cell-Mediated Immunity: CMI). Khi có 1 tác nhân gây bệnh xâm nhập có thể có 1 hoặc cả 2 loại đáp ứng miễn dịch trên được kích hoạt để bảo vệ cơ thể. Miễn dịch đặc hiệu chính là nguyên lý cơ bản của các loại vaccine phòng bệnh trên heo.
Với vai trò quan trọng của hệ miễn dịch như vậy, chúng ta thấy rằng cần thiết phải duy trì và tăng cường khả năng miễn dịch cho heo.
Chúng ta đều biết để một tác nhân gây bệnh (mầm bệnh) có thể gây bệnh cho heo cần đảm bảo 2 yếu tố: số lượng và độc lực của tác nhân gây bệnh đủ lớn để chiến thắng hệ thống miễn dịch của cơ thể heo.
Như vậy để đảm bảo heo luôn khỏe mạnh và hạn chế dịch bệnh chúng ta cần làm đồng thời hai công việc sau:
- Kiểm soát an toàn sinh học tại trại để giảm mầm bệnh và độc lực của mầm bệnh
- Nâng cao và tăng cường hệ miễn dịch của heo
Kiểm soát an toàn sinh học tại trại
Mấu chốt của kiểm soát ATSH của trại heo đó là kiểm soát những tác nhân có khả năng mang mầm bệnh vào trại và tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế sự nhân lên của mầm bệnh trong trại.
Với việc kiểm soát và tiêu diệt mầm bệnh vào trại chúng ta cần chú ý.
- Các tác nhân chủ yếu mà chúng ta cần quan tâm để kiểm soát mầm bệnh xâm nhập vào trại đó là: Phương tiện, vật tư, thức ăn, nước uống, con người, heo và động vật khác, chuột, chim và côn trùng ...
- Hàng rào vật lý và quy trình sát trùng và tiêu diệt mầm bệnh (tùy đối tượng mà có quy trình khác nhau).
- Luôn luôn giám sát và đánh giá quy trình để có những điều chỉnh phù hợp
Tiêu diệt mầm bệnh trong trại chúng ta cần chú ý
- Sát trùng định kỳ.
- Kiểm soát mầm bệnh giữa các dãy chuồng (người, vật tư, động vật khác (vật nuôi, chuột, chim, côn trùng … trong trại).
- Xử lý phân và chất thải
- Định kỳ đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp theo từng thời điểm.
Việc làm an toàn sinh học cần đảm bảo triệt để và hoàn toàn, sẽ không có an toàn 80-90 % mà chỉ có an toàn 100% hoặc trại sẽ nổ dịch.
Nâng cao khả năng miễn dịch của heo.
Ngoài việc ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập cơ thể bằng các giải pháp ATSH kể trên chúng ta cần giúp heo nâng cao khả năng miễn dịch bằng chương trình dinh dưỡng phù hợp và quy trình chủng ngừa toàn đàn.
Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ngành dinh dưỡng cũng đạt được nhiều thành tựu. Chúng ta đã có những chế phẩm, sản phẩm nguyên liệu bổ sung vào thức ăn (bổ sung trong công thức thức ăn hoặc bổ sung thêm và thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh) để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và kích thích sản sinh các tế bào miễn dịch góp phần nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể heo.
Hỗ trợ kỹ thuật : 098 777 36 45 ( Mr Quang )