Hình ảnh cá bị bệnh đốm đỏ dưới bụng
a. Tình hình xuất hiện bệnh
Bệnh đốm đỏ trên cá xuất hiện khắp nơi trên thế giới kể cả các nước vùng nhiệt đới và ôn đới. Ở Việt Nam, cá nhiễm bệnh này rất phổ biến. Miền bắc, bệnh thường phát sinh và phát triển vào cuối xuân đến đầu thu. Cá chép 2-3 tuổi thường mắc bệnh này. Ở miền Nam cá chép từ 3 tháng tuổi trở đi đã có thể cảm nhiễm bệnh đốm đỏ. Nếu nhiều loại cá khác nhau được nuôi cùng một ao, hồ, thì sau khi cá chép mắc bệnh cá trắm đen, trôi, chày, mè cũng có thể mắc bệnh này. Cá chép khi nuôi ở ao trú đông do điều kiện sống khó khăn như mật độ dầy thiếu thức ăn, thiếu sinh tố... làm cho cơ thể cá bị yếu, sức đề kháng giảm sút, khi đánh bắt chuyển ra ao nuôi gặp điều kiện sống không thuận lợi dễ phát sinh ra bệnh làm chết cá rất nhiều. Ở miền Nam bệnh này xuất hiện trên cá tra, baba, cá bống tượng, cá mè vinh, cá he, cá tai tượng, cá trê lai. Bệnh có thể xuất hiện ở tất cả gian đọan phát triển của cá. .
b. Tên bệnh và tác nhân gây bệnh
Bệnh đốm đỏ còn gọi là bệnh xuất huyết, bệnh nhiễn trùng máu, bệnh sởi....Là bệnh do vi khuẩn Aeromonas hydrophila (theo Bergey 1957) gây ra. Ngoài ra, một số trường hợp phân lập được vi khuẩn A. sobria, A. caviae hoặc Pseudomonas sp. trên cá bị bệnh đốm đỏ.
Về hình thái Aeromonas hydrophila là trực trùng hình que ngắn, chiều dài 2-3 µm, hai
đầu hơi tròn, đầu có 1 tiêm mao, không có nha bào, không có giác mạc, di động, gram âm (G-). Nuôi cấy chúng phát triển tốt nhất ở nhiệt độ 28-30oC. Sinh trưởng trong môi trường có độ pH thích hợp 7,1-7,2. Trong môi trường dinh dưỡng sau 24 giờ phát triển làm đục môi trường, trên mặt có một lớp váng mỏng, nhớt, vài ngày sau màng này chìm xuống. Trên môi trường thạch, khuẩn lạc tròn, rìa đều hơi lồi, ướt, nhẵn bóng, màu vàng rất nhạt.
c. Phân bố, loài cá và giai đoạn nhiễm bệnh
Bệnh đốm đỏ xuất hiện trên tất cả các loaì cá nuôi và cá tự nhiên. Bệnh xuất hiện khắp nơi trên thế giới: Ở các xứ lạnh như Liên Xô, Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungari, Trung Quốc....và các vùng nhiệt đới nhất là khu vực Đông Nam Châu Á như Thai Lan, Indonesia, Việt Nam...Ngoài ra bệnh này còn xuất hiện trên cá ba sa, cá sấu, ếch, đốm nâu ở trên tôm càng xanh.
d. Dấu hiệu bệnh lý
Bệnh đốm đỏ có 4 loại hình biểu hiện qua mức độ và trạng thái bệnh của cá.
- Bệnh ác tính
Trong thời gian đầu có một số cá chết đột ngột, không có triệu chứng bệnh đặc trưng. Từ khi bệnh ác tính xuất hiện đến khi cả đàn cá bị bệnh khoảng 10-30 ngày, thời gian ủ bệnh này dài hay ngắn phụ thuộc vào nhiệt độ nước và chất lượng nước.
- Bệnh cấp tính
Bệnh cấp tính phát triển nhanh, khoảng 40-50 % đàn cá mắc bệnh. Chỉ trong vài ngày số lượng cá chết rất lớn, triệu chứng bệnh đốm đỏ có biểu hiện nhưng không đầy đủ.
- Bệnh thứ cấp tính
Giống như bệnh cấp tính, nhưng thời gian chết kéo dài 2-3 tuần và triệu chứng bệnh thể hiện đặc trưng: hai bên thân nhất là vùng bụng bị xuất huyết, ứ máu đỏ bầm, vảy dựng lên, gốc vây ứ nước vàng, lấy tay ấn dịch vàng sẽ chảy ra. Bụng cá phình to, chứa dịch thể màu vàng, đỏ bầm. Một số vây cá bị rách xơ xác nhất là vây lưng, vây hậu môn và vây đuôi. Ở một số cá bệnh, mắt lồi, hậu môn lồi ra. Vây cá dần dần bị rụng, tuột ra, bên trong thịt bị ứ máu và mủ, lấy tay ấn vào thấy mềm nhũn. Khoảng 30 - 40 % đàn cá bị bệnh thứ cấp tính. Đàn cá bơi lội uể oải, lờ đờ, chậm chạp nên dễ đánh bắt. Ở cá khỏi bệnh nhiều chỗ loét lành thành sẹo và sinh trưởng chậm hơn 2 - 3 lần so với cá bình thường.
- Bệnh mãn tính
Bệnh kéo dài suốt trong quá trình nuôi, tỷ lệ cá chết khoảng 10 % đàn cá. Đến mùa thu khi thu hoạch cá còn gặp trên thân cá nhiều chỗ loét chưa lành hoặc còn nhiều vết sẹo.
e. Mùa vụ xuất hiện bệnh và mức độ gây thiệt hại
Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường tập trung vào mùa Xuân và mùa Thu ở miền Bắc, ở miền Nam bệnh thường xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa (giao mùa). Tỉ lệ tử vong do bệnh này ở động vật thủy sản thường từ 30-70%.
f. Chẩn đoán bệnh
Dựa vào dấu hiệu bệnh lý, mùa vụ xuất hiện bệnh, kết quả phân lập vi khuẩn. Ngày nay, một số phòng thí nghiệm áp dụng phương pháp PCR (Polymerase Chain Reaction) và ELISA (Enzyme Linked Immunosorbent Assay) để phát hiện bệnh nhanh và ở giai đọan sớm của bệnh.
g. Cách phòng
Trong quá trình nuôi phải thỏa mãn những điều kiện sống tối thiểu của cá như không nuôi với mật độ quá dầy, cho cá ăn đầy đủ, hợp vệ sinh. Khi sắp đến mùa bệnh đốm đỏ và trong mùa bệnh hàng tháng cần cho cá ăn thức ăn có trộn thuốc để phòng bệnh theo định kỳ, mỗi lần cho ăn 3 ngày liền. Thuốc thường dùng là kháng sinh hoặc blue methylen. Làm vệ sinh để ao, hồ nuôi cá luôn sạch sẽ.
h. Cách trị
Trường hợp ao cá thịt bị nhiễm bệnh này cần phải tiến hành xử lý như sau:
- Thay phân nửa nước ao 2 ngày 1 lần, bón thêm vôi với liều lượng 4-6 kg/100 m3 nước.
- Trộn thuốc vào thức ăn (nếu cá vẫn còn sử dụng thức ăn) với liều lượng:
Doxycycline 0.2-0,3g hoặc oxytetracycline liều lượng 2-4g cho 1kg thức ăn. Vitamin C 1-2g cho 100 kg cá bệnh.
- Cho ăn liên tục 5 -7 ngày. Tốt nhất nên trộn thuốc vào thức ăn viên, sau đó có
áo dầu hoặc có chất kết dính. Trường hợp cá hương cá giống bị bệnh xuất huyết, trị bằng thuốc kháng sinh chỉ có kết quả khi cá mới chớm bệnh. Khi cá đã bị bệnh nặng, việc điều trị thường sẽ không mang lại kết quả. Do đó, nguyên tắc là theo dõi cẩn thận các hoạt động của cá và nếu có biểu hiện nhiễm bệnh thì cần điều trị chúng ngay. Biện pháp phòng bệnh này là tránh gây sốc cá cũng như tránh đánh bắt làm xây
xát cá. Cá giống mua về cần kiểm tra kỹ để loại bỏ những con cá nhiễm bệnh sẵn hoặc bị xây xát nhiều, tốt nhất nên tắm nước muối 0,5 % trong 5 -10 phút trước khi thả nuôi. Đối với bè nuôi cá, định kỳ chà rửa, dọn sạch cỏ rác xung quanh bè nuôi.
Hỗ trợ kỹ thuật : 098 777 36 45 ( Mr Quang )