Cá bị bệnh trắng da , tuột nhớt , tuột vảy
a. Tình hình dịch bệnh
Bệnh này xảy ra ở cá tra miền Nam Việt Nam, cá nheo ở Mỹ, Ý, và một số nước Châu Âu. Bệnh không những gây tác hại cho cá hương, cá giống và cá thịt. Nhiều ao ương thả hàng trăm ngàn cá con bị chết sạch hoặc số còn sống rất ít.
b. Tên bệnh và tác nhân gây bệnh
Theo tài liệu Trung Quốc vi trùng gây bệnh trắng đuôi là Pseudomonas dermoabba, dạng hình que, kích thước trung bình 0,8 x 0,4 µm. Phần lớn 2 tế bào nối liền nhau, phía đầu có 1-2 tiêm mao, có khả năng di động, không có nha bào, không có giác mạc, bắt màu đều, là vi khuẩn Gram âm. Khuẩn lạc hình tròn, đường kính khoảng 0,5 -1mm hơi lồi, ướt, mặt nhẵn bóng, rìa đều, màu trắng xám, sau 24 giờ tạo sắc tố vàng lục. Sinh trưởng chậm trong môi trường canh thịt, đục đều, hơi có kết tủa dạng sợi, nếu lắc sẽ tan. Sinh trưởng ít trong môi trường thạch mềm cấy đứng, phát triển dọc theo đường thắng đến tận đáy. Hiện nay, nhiều tác giả phân lập bệnh này là do vi khuẩn Flavobacterium columnare (trước đây có tên là Flexibacter columnaris) gây ra bệnh này. Cá nhiễm bệnh này có biểu hiện bơi lội lờ đờ và bỏ ăn. Bệnh nặng, trên cơ thể cá xuất hiện những vệt trắng và những vết thương, có nấm phát triển.
c. Phân bố, loài cá và giai đoạn nhiễm bệnh
Bệnh trắng đuôi là một bệnh chủ yếu của cá mè trắng, mè hoa, đôi khi cũng phát hiện ở cá trắm đen, trắm cỏ của Trung Quốc và ở cá miền Bắc nước ta, đặc biệt ở miền Nam bệnh thường xuất hiện trên các loài cá nuôi như: cá trơn và cá đồng. Bệnh này rất nguy hại cho cá hương, cá giống từ 20 - 30 ngày. Mức hao hụt rất cao và quá trình bệnh rất ngắn, thời gian bắt đầu bệnh đến chết chỉ trong vòng 2 - 3 ngày.
d. Dấu hiệu bệnh lý
Cá ăn yếu, dần dần bỏ ăn. Ở cuối vây lưng cá xuất hiện màu trắng và lan dần từ vây lưng đến cuống vây đuôi, lan lên thân đến trước vây lưng. Cá lờ đờ, chậm chạp, đuôi cứng dần đến thân. Vây đuôi có khi bị rách và gẫy dần. Khả năng hoạt động của cá mất dần, cá nằm ngang mặt nước ve vẩy, yếu ớt. Sau đó đuôi treo trên mặt nước đầu cắm xuống đáy, bơi lờ đờ bằng cách giẫy có khi bất động như treo lủng lẳng trong nước, từ từ chìm xuống đáy ao rồi chết. Khi quan sát cá tra con và cá tra thịt mới phát bệnh trắng đuôi thì thấy các tia máu ở các vây da căng phồng ứ máu. Dần dần biểu bì ở da và ở vây bị phá hủy xơ xác, da cá bị mất nhớt, sờ thấy nhám. Cá con bị bệnh để trong nước dễ nhìn thấy 2/3 thân về phía đuôi bị bạc màu.
e. Mùa vụ xuất hiện bệnh và mức độ gây thiệt hại
Bệnh trắng đuôi thường xảy ra trong các ao, bể ương cá con, nhất là ở giai đoạn cá hương của cá mè, trôi vào mùa hạ và thu: cá hương khi chuyển sang ao do đánh bắt không cẩn thận, bị xây xát, bị thương, vi trùng gây bệnh cá có điều kiện xâm nhập vào cơ thể cá, sinh trưởng phát triển thành bệnh.
Theo tài liệu ở Thượng Hải và Sơn Đông (Trung Quốc) tỷ lệ hao hụt của bệnh này trung bình 3%, mức lớn nhất trên 45%. Theo tìm hiểu và quan sát của chúng tôi ở An Giang tỷ lệ hao hụt bệnh trắng đuôi ở cá tra là 40 - 90%, mức hao hụt lớn nhất ở bệnh này là cá tra hương, giống có tỉ lệ hao hụt lên đến 100%. Đối với cá tra nuôi ở An Giang bệnh này cũng thường xảy ra vào mùa mưa.(tháng 6-9). Bệnh có thể xảy ra sau khi đánh bắt cá bán, nhưng phần lớn xảy ra một cách tự nhiên, nhất là đối với cá tra nuôi ở bè.
f. Chẩn đoán bệnh
Dựa vào các dấu hiệu lý, phân lập và định danh vi khuẩn.
g. Cách phòng
Không đánh bắt cá vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ quá cao. Nên đánh cá vào lúc sáng sớm và những ngày mát trời. Tránh đánh bắt cá bằng lưới không đúng qui cách dễ gây xây xát, bệnh có điều kiện phát triển lây lan. Cần chú ý kỹ thuật đánh bắt Không nên ương nuôi hoặc chứa cá ở mật độ quá cao. Ao ương nuôi phải vệ sinh sạch sẽ, tránh để đáy ao quá nhiều mùn bã hữu cơ.
h. Cách trị
Dùng Oxytetracycline ngâm cá, với liều lượng 20-25g thuốc trên một m3 nước bể. Trước khi trị, thức ăn dư thừa và cá chết cần vệ sinh sạch. Cứ mỗi 24 giờ lượng nước cũ được hút ra phân nửa và sau đó thay lượng thuốc mới vào. Trị liên tục 5 -7 ngày, lượng thức ăn giảm chỉ dùng 1% trọng lượng thân trong thời gian điều trị. Có thể dùng Chloramine T với liều lượng 5ppm trong thời gian dài. Nếu ao cá bị bệnh nghiêm trọng, chữa bằng cách dùng Ca(ClO)2 phun khắp ao với nồng độ 1ppm, ngày thứ hai trở đi cá còn chết lác đác đến ngày thứ 3 thì ngừng hẳn (Cần phải thận trọng khi dùng phương pháp này).
Hỗ trợ kỹ thuật : 098 777 36 45 ( Mr Quang )