Chất Lượng Mang Tới Thành Công

Kỹ Thuật Nuôi Các Loại Chim Cút Sinh Sản

Hiện nay, thịt và trứng chim cút đã trở thành các thực phẩm quen thuộc trên thị trường và chăn nuôi chim cút đã trở thành một nghề phổ biến của nhiều hộ nông dân với các quy mô khác nhau: từ vài trăm con tới hàng chục ngàn con. Tổng đàn chim cút trong cả nước đã lên đến hàng chục triệu con, tốc độ phát triển không ngừng tăng cao do kỹ thuật chăn nuôi đơn giản và ít rủi ro hơn so với chăn nuôi các đối tượng gia cầm khác.

Nuôi chim cút sinh sản mái
Trong chăn nuôi chim cút sinh sản, người ta thường chia làm ba giai đoạn là 
giai đoạn chim con (0 – 3 tuần tuổi), giai đoạn chim hậu bị (4-9 hoặc 10 tuần tuổi) và giai đoạn đẻ trứng (sau 10 tuần tuổi).
a. Mục tiêu cần đạt được với chim sinh sản
Mục tiêu là có được đàn giống khoẻ mạnh, tỷ lệ nuôi sống qua các giai đoạn 
cao; đạt khối lượng chuẩn của phẩm giống (từ 120 -130 g/ con trống; 167-170 g/ con mái đối với chim cút Nhật bản; 200-210 g/con trống; 230-250 g/ con mái đối với chim cút Mỹ) ở 10 tuần tuổi tuỳ theo giống và có độ đồng đều trên 80%. Trong giai đoạn đẻ trứng, chim không quá béo, có năng suất trứng cao; kết quả ấp nở tốt. Số chim con loại I sinh ra từ một chim mái cao (250 chim con loại 1/mái /năm).
b. Kỹ thuật nuôi dưỡng chim mái giai đoạn chim con (0-3 tuần tuổi).
Chim con có thân nhiệt chưa ổn định, nhiều cơ quan bộ phận chưa hoàn 
thiện, sức đề kháng còn yếu, trong khi cường độ sinh trưởng lại rất nhanh, vì vậy cần phải có qui trình nuôi dưỡng thích hợp mới có thể đạt kết quả tốt.
Vận chuyển chim con
Khi vận chuyển chim con, người ta thường dùng hộp bằng bìa cứng theo 
tiêu chuẩn để chống lạnh và tránh chim đè lên nhau. Kích thước hộp (chiều dài x chiều rộng x chiều cao) phải đảm bảo theo qui định. Khi trời lạnh, có thể dùng hộp có kích thước tối thiểu là 45 x 45 x 10cm chia làm 4 ngăn. Khi trời nóng, dùng hộp có kích thước tối đa là 80 x 60 x 10cm chia 4 ngăn. Xung quanh và trên nắp hộp có hệ thống các lỗ thông thoáng. Nhãn hộp đựng chim con loại I phải ghi đầy đủ các thông số cần thiết như tên trạm ấp, giống, ngày nở…
Trước khi cho chim vào hộp phải lót chất độn vào hộp. Để chim khỏi lạnh và không bị ngạt thì mỗi ngăn hộp xếp không quá 100 - 125 chim con, cả hộp là 400- 500 con.
Khi xếp hộp cần chú ý sự thông thoáng cho chim con. Nhiệt độ trong hộp cần đảm bảo 30 - 32 oC. Không nên giữ chim con trong hộp quá 48 giờ. Để đảm bảo tỷ lệ chết thấp nhất, vào mùa hè nên vận chuyển vào sáng sớm hay chiều tối. Khi vận chuyển chim con phải mang theo giấy chứng nhận sức khoẻ chim con, trong đó ghi đầy đủ các thông số kỹ thuật cần thiết như số lượng chim con, giống, dòng; nguồn gốc, xuất xứ của trứng ấp; địa chỉ trạm ấp; tình trạng của đàn chim khi nở; khối lượng bình quân của đàn chim; giấy chứng nhận đàn chim sạch bệnh; tình hình tiêm phòng vacxin.
Chuẩn bị chuồng nuôi trước khi nhận chim
Cần phải vệ sinh tiêu độc chuồng trại, trang thiết bị và dụng cụ chăn nuôi 
theo đúng qui định.
Một tuần trước khi đưa chim vào chuồng phải chuẩn bị đầy đủ tất cả các hệ thống điện nước, trang thiết bị và dụng cụ cần thiết cho số lượng chim định nuôi (rèm che, quây, nguyên liệu độn chuồng nếu úm trên nền, phương tiện sưởi ấm, làm mát, thức ăn, nước uống, thuốc thú y, máng ăn, máng uống …).
Phải có thời gian để sưởi nóng tường, nền và lớp độn chuồng (nếu nhận chim vào mùa đông). Đóng kín rèm che trước khi thả chim con vào chuồng nuôi.
Lớp độn chuồng đã được sát trùng và trải theo độ dày qui định, từ 5 – 10 cm.
Sắp xếp máng ăn, máng uống theo hàng và khoảng cách đều đặn với số lượng đầy đủ. Trước khi cho chim vào chuồng, nước uống đã chuẩn bị sẵn trong máng. Tuyệt đối không chuẩn bị sau khi đã đưa chim vào chuồng, gây stress cho chúng. Kiểm tra giấy chứng nhận sức khoẻ của chim con trước khi nhận vào chuồng nuôi.
Chuyển các hộp chim từ phương tiện vận chuyển xuống nhẹ nhàng, cẩn thận. Đặt từng hộp xung quanh quây, sau khi xếp đủ số hộp tương ứng cho mỗi quây, nhẹ nhàng thả chim vào quây.
Kiểm tra lại số lượng và tình trạng sức khỏe của chim con ở từng hộp. Loại bỏ tất cả con bị chết ra khỏi khu nuôi dưỡng. Những con yếu cần được nuôi dưỡng và chăm sóc riêng.
Chuẩn bị thức ăn
Thức ăn cho chim con cần loại chất lượng cao, giàu dinh dưỡng nhưng phải 
dễ tiêu hoá. Thức ăn cho chim cút nói chung, chim non nói riêng có nồng độ dinh dưỡng cao hơn ở gà. Chim cút từ 1-3 tuần tuổi có nhu cầu protein rất cao: 24-26%, sau đó, dần giảm xuống 22-24 % trong các tuần tiếp theo. Đảm bảo được yêu cầu này sẽ góp phần giúp chim con nhanh chóng thích nghi với môi trường sống mới sau khi nở, chim sẽ khoẻ mạnh và sinh trưởng phát triển tốt hơn. Trong giai đoạn dưới 3 tuần tuổi, người ta cho ăn tự do.
Thực hiện quy trình úm chim non
Sau khi xe vận chuyển chim giống về, nhanh chóng thả chim vào quây, cho 
uống nước ngay, pha thêm 50g đường glucoz +1g vitamin C vào 1 lit nước cùng với chất điện giải (theo hướng dẫn của nhà sản xuất) cho chim con uống trong 2 giờ đầu tiên, sau đó bắt đầu cho ăn tự do. Nếu biết rõ thời gian chim nở, phải sau 6 giờ mới cho ăn, nếu cho ăn quá sớm hay quá muộn sẽ ảnh hưởng không tốt đến khả năng sinh trưởng và sức khoẻ của đàn chim.
Trong một tuần lễ đầu tốt nhất là cho ăn tự do. Nếu cho ăn theo bữa, thì mỗi ngày đổ và lắc thức ăn 6 lần. Số bữa ăn hàng ngày giảm dần theo tuần tuổi, từ tuần thứ hai đổ và lắc thức ăn 4 - 3 lần /ngày.
Chăm sóc
- Yêu cầu về nhiệt độ và độ ẩm
Khả năng điều tiết nhiệt của cơ thể chim con còn rất kém, nhất là trong 10 
ngày tuổi. Trong 4 ngày đầu tiên, nhiệt độ môi trường là 1 - 10oC thì tỷ lệ chim con chết từ 40 - 50%; sau 10 ngày tỷ lệ chết là 60%, số còn lại khả năng sinh trưởng kém, còi cọc và ảnh hưởng xấu tới sức sản xuất sau này. Cần lưu ý là chim cút non nhỏ, yếu hơn gà con rất nhiều nên cần phải được chăm sóc chu đáo để có tỷ lệ nuôi sống cao.
Sưởi ấm cho chim con không những phải chú ý tới nhiệt độ trong chuồng nuôi mà còn phải chú ý tới nhiệt độ trên sàn hay lớp độn chuồng.
Nhiệt độ thích hợp với chim con

Tuổi chim
(tuần)

Nhiệt độ dưới chụp sưởi
(0C)

Nhiệt độ trong chuồng
(0C)

Độ ẩm

1-7
8-14
15-21
22-28
lớn hơn 28

35 - 33
32 - 30
30 – 28
- -

28-29
28
28
22-25
20

65-70%


Để đảm bảo sưởi ấm tốt cho chim con, giai đoạn đầu phải nuôi chim trong 
quây. Quây chim cao 45cm, đường kính 2m có thể nuôi 600- 1000 chim con 1 ngày tuổi. Mùa đông, sang tuần thứ hai nới rộng quây, sang tuần thứ ba bỏ quây. Mùa hè, sang tuần thứ hai có thể bỏ quây. Việc bỏ quây sớm hay muộn phụ thuộc vào sức khoẻ của đàn chim và nhiệt độ chuồng nuôi. Mỗi quây chim dùng một chụp sưởi 50W treo cao 50 cm. Sau khoảng 2 tuần tuổi, có thể chuyển chim sang lồng sắt có độ cao vừa phải để chống chim bị chấn thương khi bay dựng ngược lên, đập đầu vào trần.
Quan sát trạng thái đàn chim trong thời gian nuôi úm là cách tốt nhất để xác định nhiệt độ có thích hợp hay không chứ không phải là đọc nhiệt kế.
Nếu đàn chim tập trung lại thành đám dưới chụp sưởi là hiện tượng bị lạnh (thiếu nhiệt), phải hạ thấp chụp sưởi hoặc bổ sung thêm chụp sưởi.
Nếu đàn chim tản ra xa chụp sưởi là hiện tượng nhiệt độ cao hơn yêu cầu (thừa nhiệt). Cần nâng chụp sưởi lên cao hoặc tắt bớt đèn sưởi.
Đàn chim phân bố đều trong quây, trong lồng nuôi, đi lại, ăn uống… bình thường là nhiệt độ thích hợp.
Yêu cầu về thoáng khí
Yêu cầu về oxy của gia cầm nói chung, chim cút nói riêng rất cao, gấp 
khoảng hai lần so với động vật có vú (tính theo 1kg khối lượng cơ thể). Vì vậy sự thông thoáng không đầy đủ sẽ ảnh hưởng rất xấu đến khả năng sinh trưởng của chim.
Nhu cầu về lượng không khí mới phụ thuộc vào lứa tuổi của chim và mật độ nuôi. Ở chim con, trung bình cần 3 - 4m3 không khí mới /1giờ/1kg khối lượng sống. Nhu cầu này tăng dần theo tuần tuổi.
Thay đổi không khí mới không những để đảm bảo cung cấp lượng oxy cần thiết mà còn tạo điều kiện để đẩy các khí độc ra bên ngoài, đồng thời giữ được cho chuồng nuôi có được độ ẩm thích hợp (65 - 70%). Gia cầm tiết ra một lượng hơi nước lớn gấp 10 lần so với gia súc nếu tính trên 1kg khối lượng cơ thể, lớp độn chuồng bị ẩm còn tạo điều kiện cho bệnh cầu trùng phát triển. Tuy nhiên, độ ẩm quá thấp cũng không tốt. Nó sẽ làm cho chuồng nuôi nhiều bụi, làm cho chim dễ mắc bệnh đường hô hấp.
Để đảm bảo độ thông khí tốt, tốc độ gió trong chuồng nuôi nên từ 0,2 – 0,3m/giây. Khi trời nóng, cần tăng tốc độ lưu thông của không khí trong chuồng nuôi, thậm chí lên 1,5 m/giây. Để lưu thông khí tốt, nên tạo ra trong chuồng nuôi có luồng khí 1 chiều: có lối vào và lối ra, tránh dùng khí quẩn trong chuồng.
Trong các nông hộ, thường chỉ chú ý tới nhiệt độ mà ít chú ý đến vấn đề thông thoáng (vì sợ mất nhiệt), đó là một mối nguy hiểm cần khắc phục.
Chương trình chiếu sáng
Theo nguyên tắc thì kéo dài thời gian chiếu sáng sẽ làm tăng lượng thức ăn 
tiêu thụ, kích thích cho cơ thể phát triển nhưng lại làm giảm hiệu quả sử dụng thức ăn. Rút ngắn thời gian chiếu sáng sẽ có tác dụng ngược lại. Đối với chim đẻ, ánh sáng có vai trò quan trọng trong việc gây phản xạ chín và rụng trứng. Có hai chương trình chiếu sáng cho chim non và hậu bị 

+ Chương trình chiếu sáng cho chuồng kín (chuồng hiện đại với các thiết bị tiên tiến, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi tự động)
1 ngày tuổi: 23 giờ; 2 ngày tuổi: 22 giờ; 3 ngày tuổi: 20 giờ. Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 8, mỗi ngày giảm đi 2 giờ chiếu sáng. Từ ngày thứ 9 đến 9 tuần tuổi chiếu
sáng 8 giờ một ngày.
Cường độ chiếu sáng thích hợp ở 1 tuần tuổi là 30 - 20 lux hoặc từ 3 - 2 w/m2
nền chuồng. Từ 2 - 9 tuần tuổi cường độ chiếu sáng là 10 lux hoặc 1 w / m2 nền chuồng.
+ Chương trình chiếu sáng cho chuồng thông thoáng tự nhiên (chuồng nuôi phổ thông)
Một ngày tuổi, thời gian chiếu sáng là 23 giờ. Từ 2 - 6 ngày tuổi, mỗi ngày giảm đi 2 giờ chiếu sáng. Từ ngày thứ 7, chiếu sáng tự nhiên 13 giờ một ngày. Cường độ chiếu sáng là 40 lux hay 4w/ m2 nền chuồng. Cũng cần lưu ý rằng việc chuyển đổi từ lux sang wat như trên chỉ là tương đối, không hoàn toàn chính xác. Đây là hai đơn vị đo lường hoàn toàn khác nhau về bản chất. Có thể chuyển đổi được bằng thực nghiệm. Nó phụ thuộc vào công suất đèn, độ cao treo đèn và loại đèn.
Mật độ nuôi
Mật độ cao quá sẽ ảnh hưởng không tốt đến khả năng sinh trưởng và phát 
triển của gia cầm non, đồng thời còn làm xuất hiện nhiều bệnh khác nhau như: cầu trùng, bệnh nấm quạt, bệnh đường tiêu hoá v. v...
Nếu mật độ nuôi thấp sẽ lãng phí chuồng nuôi, hiệu quả kinh tế thấp. Mật độ thích hợp phụ thuộc vào lứa tuổi, phương thức nuôi và kỹ thuật thông thoáng. Mật độ thích hợp nuôi chim cút: tuần 1: 200-250 con/m2, tuần 2: 150-200 con/m2, tuần 3: 100-150 con/m2; tuần 4 -6 : 50-100 con/m2.
Sử dụng rèm che
Trong tuần đầu, rèm che phải được đóng kín cả ngày đêm để tránh gió lùa. 
Từ tuần thứ hai chỉ đóng rèm bên có gió thổi. Tuy nhiên việc đóng hay mở rèm che còn phụ thuộc vào thời tiết và sức khoẻ của đàn chim. Từ tuần thứ ba, rèm che được mở hoàn toàn, trừ khi thời tiết xấu (giông, bão, mưa, lạnh) hoặc khi đàn chim bị bệnh đường hô hấp.
Quản lý chim
Cần có đầy đủ sổ sách theo dõi đàn chim về các vấn đề như trạng thái sức khoẻ; thức ăn, nước uống; thời tiết, khí hậu; chu chuyển đàn, khả năng sinh trưởng, lịch dùng thuốc thú y v.v… . Từ tuần thứ ba, hệ tiêu hoá của chim đã phát triển mạnh, cần bổ sung thêm máng sỏi, có kích thước 1-2 mm. Khi sỏi được đưa vào mề sẽ làm tăng hiệu quả tiêu hóa thức ăn cho chim. Sỏi không những tham gia vào việc nghiền nát thức ăn mà còn làm sạch những tiểu thể thức ăn trong khoang dạ dày. Nhiều thí nghiệm cho biết nếu không bổ sung thêm sỏi thì tỷ lệ tiêu hoá giảm 25%. Sỏi tốt nhất là từ đá thạch anh, bền với axit clohydric của dạ dày.. Không nên thay thế sỏi bằng cát, đá vôi, thạch cao, vỏ sò, vỏ ốc hến, phấn v.v… Những chất này sẽ bị axit clohydric hoà tan, làm rối loạn tiêu hoá ở dạ dày và ruột. Kích thước của các viên sỏi cũng vô cùng quan trọng. Chim nên dùng loại sỏi có đường kính nhỏ (1-2 mm).
Máng ăn
Tuần lễ đầu nếu không sử dụng hệ thống máng ăn đặc chủng của chim con 
thì có thể dùng khay ăn. Khi ăn, chim thường nhảy vào khay, đứng lên thức ăn và rất hay bới, làm thức ăn bị bắn ra ngoài, vừa lãng phí, vừa ô nhiễm môi trường nuôi. Để chống hiện tượng trên, người ta đặt lên trên bề mặt thức ăn các tấm lưới ô vuông mà mắt lưới có kích thước 10 x 10 mm, hạn chế rất đáng kể hiện tượng bới thức ăn của chim con.
Từ tuần thứ hai, thay dần khay ăn bằng máng ăn tròn hoặc máng ăn dài. Tất cả các hệ thống máng ăn tự động hay bán tự động cần phải đảm bảo tối thiểu 2 cm chiều dài máng ăn cho một chim.
Khi dùng khay ăn, thức ăn rải dày từ 0,5 – 1, 0cm. Khi đã dùng máng ăn, chỉ nên đổ thức ăn 1/2 máng ăn, để tránh rơi vãi. Nhiều thí nghiệm đã cho biết mức hao hụt (lượng thức ăn rơi vãi) khi đổ thức ăn ở các mức khác nhau. Nếu đổ đầy mép máng tỷ lệ hao hụt là 29%. Nếu đổ 2/3 máng tỷ lệ hao hụt là 7,4%. Nếu đổ 1/2 máng tỷ lệ hao hụt là 2,1%. Nếu đổ 1/3 máng tỷ lệ hao hụt là 1,3%. Tuy nhiên, nếu đổ quá ít thức ăn trong máng sẽ ảnh hưởng đến lượng thức ăn thu nhận của đàn chim.
Hàng ngày cần sàng thức ăn còn lại trong khay hay máng ăn từ 3 – 4 lần để loại bỏ chất độn chuồng và phân lẫn vào. Nên có số lượng máng ăn gấp đôi số lượng cần dùng để có thể thường xuyên cọ rửa và sát trùng theo qui định trước khi dùng.
Nước uống
Trong chăn nuôi gia cầm, người ta thường cho uống tự do. Trong điều kiện 
bình thường, lượng nước uống thường gấp 2-3 lần lượng thức ăn tiêu thụ. Khi trời nóng, tỷ lệ này tăng lên rất nhiều, có thể là đến 4-5 lần. Đặc điểm chung của gia cầm là uống ít nước trong một lần nhưng lại uống nhiều lần trong một ngày. Nếu có hệ thống cung cấp nước tự động, để đảm bảo luôn có nước sạch thì cứ 2 giờ cung cấp nước liên tục trong 30 phút là qui trình tốt nhất.
Để cung cấp nước cho chim con, trong 1 – 2 tuần đầu người ta thường dùng máng chụp. Cuối tuần lễ thứ hai dùng máng uống tự động hình trụ hay máng dài. Nếu dùng máng dài cần tối thiểu 1 cm chỗ đứng uống cho một chim; máng chụp 40 – 50 con một chụp. Các máng uống phải đặt sao cho nước không rơi vãi xuống tầng dưới, không làm bẩn nước trong máng. Vì vậy máng uống cần đặt trên các máng thu nước vãi to hơn, bên trên có lưới bảo vệ. Cần thiết kế máng uống không hoặc ít bụi rơi vào nhất để đảm bảo vệ sinh. Nên bố trí xen kẽ máng ăn và máng uống. Tuần thứ 1 và thứ 2 máng ăn và máng uống nên đặt gần chụp sưởi, từ tuần thứ 3 đặt xa dần. Cần lưu ý là không bao giờ được đặt máng uống dưới chụp sưởi, vì chim không thích uống nước nóng 25oC trở lên. Nhiệt độ nước uống từ 35oC đã làm giảm rõ rệt lượng nước uống và nếu nước nóng đến 45oC thì chim không uống nữa, dù chúng rất khát. Mỗi ngày cần thay nước mới cho chim con 6 lần. Máng uống phải được vệ sinh hàng ngày theo đúng qui trình vệ sinh thú y. Cần kiểm tra lượng nước uống hàng ngày của đàn chim để đánh giá tình hình sức khoẻ của chúng. Sau 3 tuần tuổi thì phải phân biệt trống mái để nuôi riêng.
c. Nuôi chim mái hậu bị giai đoạn 4 – 9 tuần tuổi
Nuôi chim hậu bị
Để hạn chế sự tăng khung xương có hiệu quả và đúng yêu cầu phải hạn 
chế sớm thức ăn khởi động có hàm lượng protein cao (24%protein thô và 2900 kcal ME trong 1 kg thức ăn) vào 12 – 14 ngày tuổi, chuyển sang ăn thức ăn chim dò (19-20% protein thô và 2800 kcal ME trong 1 kg thức ăn). Sau 3 tuần tuổi, bắt đầu cho ăn hạn chế để tránh cho đàn chim quá béo hoặc đẻ quá sớm, cho năng suất không cao và mau tàn. Khi cho ăn hạn chế, người ta chỉ cho chim ăn 70-80 % nhu cầu, nghĩa là chim luôn ăn đói. Khi đó, chim sẽ tranh nhau ăn, dẫn đến không đều, con to, con bé… sau này sẽ đẻ kém. Để tránh hiện tượng trên, cần cho chim ăn ít bữa trong ngày, khi nào cho ăn thì cho ăn
thật no để chúng đỡ tranh nhau, làm tăng độ đồng đều của đàn. Từ 4 tuần tuổi cho tới khi thành thục sinh dục, cần nuôi dưỡng khoa học để chim phát triển đúng theo yêu cầu. Cần lưu ý đến các loại thức ăn có hoạt tính sinh học như các loại vitamin và các nguyên tố vi lượng. Sai lầm về nuôi dưỡng trong giai đoạn này chỉ thể hiện khi chim đã đẻ trứng và lúc đó thì không thể sửa chữa được nữa.
Khi chuyển thức ăn ở giai đoạn chim con sang thức ăn chim hậu bị cần phải chuyển từ từ. 
Tỷ lệ chuyển thức ăn từ chim con sang chim hậu bị

Ngày tuổi

Thức ăn chim hậu bị
(%)

Thức ăn chim con (%)

20-21
22-23
24-25
26

25
50
75
100

75
50
25
0

Cho ăn hạn chế
Trong qui trình chăn nuôi chim hậu bị, người ta thường áp dụng phương pháp cho ăn hạn chế. Chim cút đã được con người thuần hóa quá cao độ, nếu không bị kìm hãm, để chim ăn tự do, nó có thể đẻ rất sớm, chỉ mới 5 tuần tuổi đã có thể đẻ quả trứng đầu tiên, sau đó sẽ đẻ kém, năng suất trứng thấp, trứng bé và đàn chim rất chóng tàn.
Mục đích chính của việc cho ăn hạn chế là để kìm hãm sự phát dục sớm của chim mái; hạn chế số lượng trứng nhỏ; tăng sức bền đẻ trứng; đàn chim đạt khối lượng chuẩn với độ đồng đều cao.
Có nhiều phương pháp cho ăn hạn chế khác nhau.
+ Hạn chế về số lượng thức ăn
Người ta khống chế nghiêm ngặt về số lượng thức ăn cho ăn hàng ngày, còn chất lượng thức ăn thì vẫn giữ nguyên theo đúng tiêu chuẩn. Hàng tuần kiểm tra khối lượng cơ thể để quyết định mức độ cho ăn thích hợp. Phương pháp này có ưu điểm là tạo được đàn chim có khối lượng chuẩn với độ đồng đều cao, tiết kiệm được số lượng thức ăn tương đối lớn. Nhược điểm là chim hay bị chết do bị "sốc" về thức ăn. Đàn chim thường xuyên bị đói nên uống nhiều nước, làm tăng độ ẩm và khí độc trong chuồng nuôi, làm giảm sức đề kháng của chim.
+ Hạn chế về chất lượng thức ăn
Cho chim ăn đầy đủ số lượng theo khẩu phần bình thường, nhưng hàm lượng các chất dinh dưỡng thấp đi: protein giảm khoảng 2 – 3% (chỉ từ 12 - 15%); xơ tăng cao hơn so với qui định khoảng 2 – 5% (trên 7%, thậm chí tới 10%). Mức ME thấp: 2600 - 2700 Kcal/ kg thức ăn. Ưu điểm của phương pháp này là tạo được đàn chim có khối lượng chuẩn và tiết kiệm được kinh phí chăn nuôi. Nhược điểm là đàn chim phát triển chậm, ngoại hình xấu; tỷ lệ mắc bệnh cao; phải thường xuyên thay đối khẩu phần để điều chỉnh khối lượng cơ thể chim nên mất nhiều công.
Trong giai đoạn hậu bị, vấn đề quan trong nhất trong kỹ thuật là luôn kiểm tra chặt chẽ khối lượng cơ thể của đàn chim và xử lý đối với các đàn chim không đạt khối lượng chuẩn. Nếu khối lượng đàn chim thấp hơn so với chuẩn do hạn chế thức ăn quá
chặt, cần kiểm tra lại thức ăn và thay đổi cho phù hợp. Nếu khối lượng đàn chim vượt quá khối lượng chuẩn thì không nên tìm cách kéo khối lượng trở lại mức chuẩn một cách đột ngột, gây stress quá mạnh và ảnh
hưởng đến quá trình phát dục của đàn chim, hãy giảm thức ăn từ từ, làm chậm lại việc tăng khối lượng của đàn chim. Cần giữ đường tăng khối lượng cơ thể chim song song với đường khối lượng chuẩn. Nếu khoảng cách giữa hai đường song song này nhỏ dần và gần gặp nhau ở những tuần tuổi cuối cùng của giai đoạn hậu bị, độ đồng đều cao là nuôi tốt. So với khối lượng chuẩn, nếu chim nhẹ hơn 5% là có thể chấp nhận được.
Thời gian cho chim hậu bị ăn hạn chế đến hết tuần thứ 9. Từ tuần 10 cho ăn tăng dần số lượng và chất lượng thức ăn để đàn chim chuẩn bị vào đẻ. Khi chuyển thức ăn chim dò sang thức ăn tiền đẻ trứng phải chuyển từ từ. Từ 10-11 tuần tuổi, chuyển sang thức ăn tiền đẻ, có hàm lượng protein thô 22-23%. Trong giai đoạn này, hocmon sinh dục hoạt động mạnh, chim chuẩn bị vào đẻ. Bộ phận sinh dục của chim mái phát triển nhanh. Chim hậu bị cần phát triển cơ lườn và một ít mỡ để sản xuất trứng nên tăng trọng nhanh. Bảo đảm để chim không thiếu hụt dinh dưỡng nhưng không để cơ hội cho chim “sinh trưởng bù”. Chính vì vậy, nuôi dưỡng chim sinh sản trong giai đoạn hậu bị để đảm bảo đàn chim khoẻ mạnh, có ngoại hình đẹp, đạt khối lượng chuẩn với độ đồng đều cao không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là “nghệ thuật” trong chăn nuôi. Cần bổ sung thêm 1 máng sỏi/lồng, đường kính sỏi 1-2mm. Sỏi phải được
khử trùng trước khi bổ sung cho chim ăn.
Nước uống
Nhu cầu nước uống bằng 2,5-3 lần khối lượng thức ăn cung cấp. Để thoả 
mãn nhu cầu này, cần có 1,5-2 cm chỗ đứng uống cho 1 con. Có thể dùng máng dài hoặc tự động hình trụ. Nếu dùng máng núm thì trung bình 15 con một núm.
Chăm sóc và quản lý
Yêu cầu về nhiệt độ

Trong giai đoạn này, chim đã có thân nhiệt ổn định, song muốn đạt kết quả tốt vẫn cần phải có nhiệt độ chuồng nuôi thích hợp, với chim hậu bị là 20oC.
Yêu cầu về thoáng khí
Yêu cầu lượng không khí mới từ 3 - 4 m3/kg khối lượng cơ thể /giờ. Độ ẩm 
không khí 65 - 70%. Muốn đảm bảo được yêu cầu này, tốc độ gió trong chuồng nuôi từ 0,3 – 0,5m/giây. Tốt nhất là lưu thông khí trong chuồng nuôi 1 chiều.
Mật độ nuôi
Mật độ nuôi ở sau 4 tuần tuổi là 25-30 con/ lồng. Nếu nuôi mật độ cao quá, 
chim phát triển không đồng đều và hay mổ nhau.
- Chương trình chiếu sáng
Nếu kéo dài thời gian chiếu sáng chim sẽ thành thục sớm hơn dự định, làm 
sức đẻ trứng giảm sút và làm tăng khả năng mắc bệnh.
+ Chương trình chiếu sáng đối với chim hậu bị nuôi chuồng kín Từ 3 - 9 tuần tuổi chiếu sáng 8giờ / ngày, cường độ chiếu sáng là 10 lux hay 1w/ m2 nền chuồng. Sau 9 tuần tuổi, mỗi tuần tăng thêm 1 giờ chiếu sáng cho đến khi đạt 16 giờ /ngày.
+ Chương trình chiếu sáng đối với chim hậu bị nuôi chuồng thông thoáng tự nhiên Từ 4 - 9 tuần chiếu sáng 12-13 giờ /ngày (dùng ánh sáng tự nhiên). Sau 9 tuần tuổi, mỗi tuần tăng thêm 1 giờ chiếu sáng vào buổi tối, cho đến khi đạt 16 giờ /ngày. Cường độ chiếu sáng là 20 - 40 lux hay 2- 4w/ m2 nền chuồng.
Quản lý chim hậu bị
Cần có đầy đủ sổ sách theo về trạng thái sức khoẻ, thức ăn, nước uống, khả 
năng sinh trưởng phát dục, lịch dùng thuốc thú y v.v…Cuối giai đoạn hậu bị, vào tuần tuổi thứ 9-10, tiến hành ghép trống mái theo tỷ lệ 2 trống/5 mái.
d. Kỹ thuật nuôi dưỡng chim mái trong giai đoạn đẻ trứng
Nhu cầu dinh dưỡng
Để đạt năng suất cao, cần cung cấp cho chim đầy đủ và cân bằng các chất 
dinh dưỡng. Ngoài protein, năng lượng trao đổi, lisine, methionin… còn cần chú ý đến canxi, phospho, vì 2 nguyên tố này có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng vỏ trứng và bộ xương của cơ thể. Nồng độ canxi cho chim đẻ trứng phải đạt 2,5- 3,5 %, phospho dễ tiêu là 0,5-0,6%.
Cần phải lưu ý rằng, các nhu cầu dinh dưỡng đưa ra trong các tài liệu, kể cả tài liệu này cũng chỉ là những hướng dẫn và để tham khảo, cần được thay đổi để phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi cơ sở sản xuất, giống chim, mùa vụ, tiểu khí hậu chuồng nuôi và năng suất đàn chim…. Các cán bộ kỹ thuật phải dựa vào kiến thức về dinh dưỡng gia cầm để vận dụng một cách linh hoạt và hiệu quả nhất.
Khi chuyển thức ăn của chim hậu bị sang thức ăn của chim đẻ cần phải chuyển từ từ, cũng như chuyển từ thức ăn cho chim con sang chim hậu bị.
Kỹ thuật cho ăn
Số lượng thức ăn cung cấp cho chim mái đẻ hàng ngày phụ thuộc vào tỷ lệ 
đẻ. Cần căn cứ vào tỷ lệ đẻ mà cho ăn chi phù hợp. Chim mái đẻ trứng theo quy luật, bắt đầy đẻ vào tuần tuổi thứ 11, đến tuần tuổi thứ 15-16, chim đẻ rất cao, 95-98 %, duy trì khoảng 7-8 tuần rồi dần dần giảm xuống.
 Đồ thị đẻ trứng của chim cút
Từ khi đẻ bói cho đến khi tỷ lệ đẻ đạt đỉnh cao
Khi đàn chim vào đẻ, tỷ lệ đẻ có thể tăng rất nhanh hoặc rất chậm tuỳ thuộc 
vào độ đồng đều của đàn chim và các điều kiện khác (nhiệt độ, độ ẩm môi trường, chế độ chiếu sáng, kỹ thuật nuôi trong giai đoạn hậu bị v. v..). Có nhiều biện pháp khác nhau để tăng lượng thức ăn trong giai đoạn này.
+ Cách thứ nhất là dựa vào mức tăng tỷ lệ đẻ
Nếu tỷ lệ đẻ hàng ngày tăng trên 3 %, nên cho chim ăn lượng thức ăn cao 
nhất khi tỷ lệ đẻ đạt 35%;
Nếu tỷ lệ đẻ tăng từ 2-3 %, cho chim ăn lượng thức ăn cao nhất vào lúc tỷ lệ đẻ đạt 45%;
Nếu tỷ lệ đẻ tăng từ 1- 2 %, cho chim ăn lượng thức ăn cao nhất khi tỷ lệ đẻ đạt 55% ; Nếu tỷ lệ đẻ tăng dưới 1 %, cho chim ăn lượng thức ăn cao nhất khi tỷ lệ đẻ đạt 65- 75%.
- Sau khi đàn chim đạt đỉnh cao tỷ lệ đẻ
Khi tỷ lệ đẻ của đàn chim tăng đến một độ cao nhất định, dừng ở đó một số 
ngày (khoảng 7 – 10 ngày) mà không tăng thêm hoặc giảm đi nữa, như vậy tỷ lệ đẻ của đàn chim đã đạt đỉnh cao. Lúc này nếu không giảm lượng thức ăn hàng ngày thì đàn chim sẽ thừa năng lượng, tích luỹ mỡ và quá béo, tỷ lệ đẻ sẽ giảm nhanh, trứng bé.
Tuỳ điều kiện thực tế như thời tiết, khí hậu, khối lượng trứng, mức giảm tỷ lệ đẻ, sức khoẻ của đàn chim và những yếu tố stress… mà giảm lượng thức ăn hàng ngày của mỗi chim mái đẻ từ 0,5-1 g, nhưng chỉ được giảm 10 % mà thôi và phải giảm từ từ. Ví dụ, khi chim ăn nhiều nhất (lúc đẻ 98-99%) là 28 g/con/ngày, thì chỉ được giảm nhiều nhất là 10% x 28 g = 2,8 g, tức là sẽ cho ăn tối thiểu là 28-2,8 = 25,2 g/con/ngày.
Cần bổ sung thêm sỏi cho chim đẻ, đường kính sỏi 1-2mm. Mỗi lồng chim nên đặt 1 máng sỏi ở phía ngoài cho chim ăn tự do.
Trong quá trình cho ăn, cần lưu ý điều kiện khí hậu để điều chỉnh mức năng lượng của khẩu phần cho thích hợp, quan trọng nhất là nhiệt độ chuồng nuôi. Khi nhiệt độ chuồng nuôi cao hơn 20oC, nếu tăng 1oC thì giảm khoảng 0,4 kcal năng lượng cho một chim, giảm 1oC phải tăng thêm 0,6 kcal. Thời gian khai thác chim mái: có thể cho chim mái đẻ đến 60 tuần, sau đó tỷ lệ đẻ giảm. Thời gian kết thúc sớm hoặc muộn hơn tuỳ thuộc vào tỷ lệ đẻ và giá trứng trên thị trường.
Máng ăn
Dùng máng ăn dài gần bằng chiều ngang lồng chim, mỗi máng ăn dùng cho 
25-30 chim.
Nước uống
Đối với chim mái đẻ, ngoài các yếu tố ảnh hưởng chung, nhu cầu về nước 
phụ thuộc vào tỷ lệ đẻ trứng. Khi tỷ lệ đẻ càng cao thì lượng nước uống cũng càng cao, có thể đến 40-70 g nước/con/ngày. Biết được nhu cầu này để cung cấp đủ nước sạch cho chim là một việc làm quan trọng.
Chăm sóc và quản lý chim sinh sản giống giai đoạn đẻ trứng
Yêu cầu về nhiệt độ
Nhiệt độ thích hợp cho chim mái đẻ là 20oC. Nhiệt độ 0 - 5oC và 26 - 30oC 
là vùng nhiệt độ nguy hiểm.
Yêu cầu về thoáng khí
Không khí trong chuồng nuôi thường xuyên bão hào hơi nước do chim thải 
nước ra ngoài trong khi thở, nước bốc hơi từ phân, từ bề mặt của các dụng cụ cung cấp nước, từ nước rơi vãi và hơi ẩm từ ngoài vào do hệ thống thông khí kém.
Chim mái nặng 0,2 kg và có tỷ lệ đẻ 85%, mỗi ngày thở ra ngoài 15 - 20 g hơi nước, muốn đẩy lượng hơi nước thừa ra bên ngoài phải có hệ thống thông khí tốt.
Độ ẩm không khí tốt nhất trong chuồng nuôi là 65 - 70%. Về mùa đông không quá 80%.
Nếu độ ẩm cao mà nhiệt độ cũng cao, chim càng đễ chết vì choáng nóng. Nếu nhiệt độ thấp, chim càng nhạy cảm với các yếu tố gây bệnh, đặc biệt là bệnh đường hô hấp. Nếu độ ẩm thấp, sự bốc hơi nước từ đường hô hấp tăng lên làm cơ thể dễ bị lạnh. Độ ẩm thấp còn làm sinh nhiều bụi do đó làm hỏng màng nhầy. Mặt khác không khí khô làm da khô, gây bệnh ngứa cho chim, làm chim dễ mổ nhau. Cần phải đẩy bụi, khí độc, hơi nước trong chuồng nuôi ra ngoài và đưa khí sạch vào, đó là sự thông khí. Lượng không khí tối thiểu là 1,8 - 2,4 m3/giờ/kg khối lượng cơ thể. Lượng không khí tối đa là 4,5 - 6,7 m3/ giờ/kg khối lượng. Tốc độ gió 0,6 – 0,8m/giây. Tốt nhất là có cửa cho khí vào và cửa đối diện cho khí trong chuồng đi ra (theo 1 chiều), làm được như vậy, phải có sự đầu tư lớn cho xây dựng chuồng trại.
Sự chiếu sáng
Đối với chim mái đẻ, cần chiếu sáng trung bình mỗi ngày từ 14 - 16 giờ. 
Cường độ chiếu sáng 10 - 15 lux hoặc 1 - 1,5 w/ m2 (nếu nuôi chuồng kín); 20 – 40 lux hoặc 2 – 4w/ m2 (nếu nuôi chuồng thông thoáng tự nhiên). Chim cút mái thường đẻ vào buổi chiều, vì vậy, thời gian chiếu sáng bổ sung nên thực hiện vào buổi tối, chiếu từ 18-22 giờ hàng ngày.
Quản lý chim sinh sản trong giai đoạn đẻ trứng
Cần có đầy đủ sổ sách theo dõi về trạng thái sức khoẻ, thức ăn, nước uống, 
khả năng sinh sản, khối lượng của đàn chim, lịch dùng thuốc thú y v.v…. Quan trọng nhất là phát hiện bệnh tật để can thiệp kịp thời, đồng thời loại thải những cá thể mái đẻ kém hay không đẻ, những con trống không đạp hoặc đạp mái yếu, để đảm bảo trong đàn có hiệu suất sản xuất cao (do không phải nuôi những con không sản xuất). Những cá thể này thường có 2 loại:
Ngoại hình kém: lông xơ xác, chậm chạp, buồn bã, hay nằm, có dị tật…
Ngoại hình quá béo, mỡ màng, bóng bẩy (do không sản xuất) trong khi chim tốt đẻ nhiều hay đạp mái nhiều nên kém bóng bẩy, mỡ màng.
Nuôi dưỡng chăm sóc chim trống giống
Đối với chim trống, phương pháp chăm sóc nuôi dưỡng hoàn toàn khác 
chim mái bởi chức năng của chúng khác nhau. Sản phẩm tực tiếp từ chim mái mẹ là trứng, còn chim trống bố là tinh dịch. Sản phẩm chung từ đàn chim giống bố mẹ là trứng giống và chim con một ngày tuổi. Số lượng và chất lượng chim con không chỉ chịu ảnh hưởng bởi chim mái mẹ, mà chim trống bố cũng có một vai trò cực kỳ quan trọng. Vì vậy để đạt được mục tiêu chung, cần có kỹ thuật nuôi hợp lý với chim trống giống.
Yêu cầu cần đạt được đối với chim trống giống: có chân dài, khỏe, tinh hoàn to và phát triển tốt. Ngực phẳng, nở nang, mạnh khỏe và nhanh nhẹn, đạt khối lượng chuẩn của giống (chọn những con bằng 95-95 % khối lượng chim mái).
Đặc biệt, chim trống phải có bầu tinh (ở hậu môn) to, tròn, bóng, sạch; khi bóp nhẹ, bầu tinh bơm ra một lượng tinh dịch trắng giống như kem đánh răng… đây là một đặc điểm rất quan trọng để chọn chim đực giống.
a. Nuôi dưỡng từ mới nở đến lúc chọn lọc
Một đặc điểm rất quan trọng trong chăn nuôi chim cút là rất khó phân biệt 
trống mái khi mới nở và giai đoạn chin non, vì vậy, người ta phải nuôi chim được 3 đến 3,5 tuần tuổi, khi bộ lông của con trống và mái khác nhau tương đối rõ rệt, đủ để phân biệt thì mới tiến hành chọn.
Để tránh đồng huyết, chọn chim trống và mái có nguồn gốc từ những đàn khác nhau.
Cút trống cần khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông da bóng mượt, thân hình gọn, nhỏ hơn con cái, đầu nhỏ, mỏ ngắn, cổ dài, ngực nở, lông ngực vàng sẫm hơn con mái, 25 ngày tuổi nặng 70 - 90g.
Cút mái đầu thanh, cổ nhỏ, lông da bóng mượt, lông ngực có đốm trắng đen, xương chậu rộng, hậu môn nở, đỏ hồng và mềm mại... khối lượng lớn hơn cút trống.
Khác với chim mái, sau 2-3 tuần tuổi cho ăn hạn chế (như đã nói ở trên), chim trống cần có cơ thể phát triển mạnh, chính vì vậy không nên hạn chế tốc độ sinh trưởng của chim trống. Chúng phải được ăn tự do cho đến lúc vào chọn lọc (5-6 tuần). Hàng tuần phải theo dõi khối lượng chim, chú ý để có độ đồng đều cao.
Sau 5-6 tuần ăn tự do, cần cho ăn hạn chế để chim trống đạt khối lượng chuẩn trước 11-12 tuần tuổi, điều này sẽ gây stress đối với chim. Đạt khối lượng chuẩn vào thời kỳ này là hết sức cần thiết vì tinh hoàn của chim trống phát triển mạnh ở 7 tuần tuổi.
Tuỳ tình hình thực tế, có thể cho ăn tự do đến 5 hoặc 6 tuần, sau đó, không nên cho chim trống ăn tự do nữa mà cần phải ăn theo định lượng, bằng khoảng 80-90 % nhu cầu để tránh cho chim trống quá béo khi ghép mái. Phải chọn lọc thật khắt khe vào cuối thời kỳ này, chỉ nên giữ 60 trống / 100 mái, sau đó, hàng tháng tiếp tục loại thải, để khi chuẩn bị vào đẻ, có thể ghép 2 trống/5-6 mái.
Chim trống giống cần phải đạt khối lượng chuẩn hoặc cao hơn 10 % vẫn có thể chấp nhận được. Những con trống nhẹ hơn khối lượng chuẩn phải loại thải. Cân hàng tuần, nếu độ đồng đều dưới 80% thì cần phải có biện pháp khắc phục. Mật độ nuôi phải dưới 20 con/m2, nói chung là nuôi chim trống với mật độ thưa hơn chim mái để có không gian cho chim vận động, nhằm tăng cường thể lực cho chim trống.
Vào 8-9 tuần tuổi, cần loại bỏ những chim trống có ngoại hình xấu: khối lượng thấp hơn qui định, phát dục chậm, có khuyết tật, không có tính hăng, chậm chạp, buồn bã.
Điều rất quan trọng trong kỹ thuật nuôi dưỡng đàn giống bố mẹ là chim trống và mái phải phát dục đồng thời. Để đạt được điều này, yêu cầu phải theo dõi chặt chẽ trên cả hai đàn giống (trống và mái). Tuỳ tình hình sinh trưởng và phát dục của mỗi đàn mà điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và chế độ chiếu sáng cho hợp lý. Chế độ dinh dưỡng và chế độ chiếu sáng (thời gian và cường độ chiếu sáng) là những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến tuổi thành thục sinh dục của gia cầm nói chung và chim gống bố mẹ nói riêng.
Ghép trống mái

Để đàn chim đẻ tốt, người ta có thể ghép chim trống vào đàn khi 9 tuần tuổi, với tỷ lệ 2 trống/5 mái. Sau khi đã ghép trống mái, việc kiểm tra hàng tuần, hàng tháng khối lượng thích hợp là cực kỳ quan trọng đối với chim trống giống. Cần loại những chim trống có khối lượng cơ thể quá nặng hay quá nhẹ so với yêu cầu.
Có một điều luôn phải ghi nhớ là duy trì chất lượng của chim trống chứ không phải số lượng. Nếu sử dụng tỷ lệ chim trống cao hơn qui định, không những không có kết quả tốt mà còn ảnh hưởng tới chất lượng của đàn mái, làm tăng mật độ chuồng nuôi, tăng tiêu tốn thức ăn mà chất lượng phôi vẫn thấp. Luôn luôn quan sát: chim trống quá nặng hoặc quá nhẹ cân, có dị tật: bị sưng chân, ngón chân bị nhiễm trùng, biến dạng; lông xơ xác; chậm chạp; bầu tinh nhỏ, khi bóp lượng tinh dịch ra ít... đều cần phải loại thải kịp thời.
Trong chăn nuôi chim cút, khi đã ghép chung đàn, người ta không thể cho trống mái ăn riêng như nuôi gà được, mặc dù điều đó là rất quan trọng và cần thiết.
 Kỹ thuật nuôi chim đẻ trứng thương phẩm
Nuôi chim đẻ trứng thương phẩm tức là đẻ trứng để ăn, không ấp. Quy 
trình chăm sóc nuôi dưỡng hoàn toàn giống như nuôi chim đẻ trứng giống, chỉ khác là người ta không nuôi chim trống trong đàn.
Hỗ trợ kỹ thuật : 098 777 36 45 ( Mr Quang )

098 777 3645